HDBank và VPBank nhận chuyển giao DongA Bank và GPBank Tăng vốn không ngừng nghỉ, Vietcombank giữ vững ngôi đầu ngành ngân hàng Nhìn lại bức tranh tín dụng, thúc đẩy động lực tăng trưởng GDP năm 2025 |
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank - Mã Ck: VPB) dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 ngày 28/4 tại Hà Nội.
Bệ phóng từ SMBC và công ty con, hướng đến tăng trưởng tín dụng 25%
Đại hội sẽ thảo luận và dự kến thông qua định hướng hoạt động và kế hoạch 2025, kế hoạch phân phối lợi nhuận 2024; chủ trương đề xuất đầu tư, góp vốn, mua lại, thành lập công ty con, hợp tác, liên doanh; bầu cử thành viên Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát VPBank nhiệm kỳ 2025-2030…
Năm 2025, VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng đồng bộ trên toàn hệ sinh thái kinh doanh thông qua việc mở rộng quy mô khách hàng, tín dụng, huy động và doanh thu ở tất cả các mảng hoạt động cốt lõi. Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh khai thác tiềm năng từ phân khúc FDI, hướng đến phục vụ 1.000 khách hàng trong năm, tập trung vào phát triển huy động vốn và dịch vụ phi tín dụng. VPBank thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững, chung tay cùng quốc gia hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
VPBank kỳ vọng lợi nhuận vượt 25.000 tỷ đồng VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2025 đạt 25.270 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2024 và cao hơn mức đỉnh cao thiết lập năm 2022 (21.220,1 tỷ đồng). Trong đó, ngân hàng mẹ đóng góp 22.219 tỷ đồng; FE Credit kỳ vọng đạt 1.126 tỷ đồng lợi nhuận (tăng trưởng 120%); Chứng khoán VPBank (VPBankS) đóng góp 2.003 tỷ đồng (tăng 64%) và Bảo hiểm OPES đạt 636 tỷ đồng (tăng 34%). |
Nhờ khả năng tận dụng cơ sở khách hàng từ các công ty con và ngân hàng thương mại hàng đầu Nhật Bản SMBC, ngân hàng cũng hướng tới mức tăng trưởng tín dụng hợp nhất 25%, tương đương dư nợ cấp tín dụng đạt 887.724 tỷ đồng, tùy thuộc vào hạn mức cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Tổng tài sản hợp nhất dự kiến tăng 23%, vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, đạt khoảng 1.132.800 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá dự kiến tăng mạnh 34%, lên 742.311 tỷ đồng.
Về chất lượng tài sản, VPBank đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ dưới 3%. VPBank triển khai chiến lược thu hồi và xử lý nợ theo hướng hiện đại, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng danh mục tín dụng và đầu tư.
![]() |
Nguồn: VPBank. |
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, VPBank không ngừng mở rộng hệ sinh thái tài chính thông qua việc phát triển các lĩnh vực hoạt động đa dạng và toàn diện, bao gồm: Công ty Chứng khoán VPBank, Công ty Bảo hiểm OPES và gần đây là tiếp nhận Ngân hàng GPBank theo phương án chuyển giao bắt buộc.
Việc nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém giúp VPBank nhận nhiều ưu đãi từ Chính phủ, bao gồm việc miễn hợp nhất báo cáo tài chính, miễn áp dụng các chỉ tiêu an toàn và cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng ưu đãi, cùng với quyền nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 49%, từ đó, mang lại cho ngân hàng dư địa huy động vốn dài hạn. Ngân hàng cũng có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới; duy trì GPBank như một ngân hàng con hoặc bán/chuyển nhượng GPBank cho nhà đầu tư mới sau khi kết thúc phương án chuyển giao bắt buộc.
Về cổ đông lớn nắm giữ trên 1% vốn của VPBank, theo danh sách ngân hàng công bố, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) là cổ đông chiến lược nắm giữ 1,19 tỷ cổ phiếu, tương ứng hơn 15% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Diera corp nắm giữ 4,4%... Các cổ đông cá nhân sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên gồm: Chủ tịch Ngô Chí Dũng (4,14%), bà Hoàng Anh Minh (4,13%), bà Vũ Thị Quyên (4,1%)...
Nợ xấu cải thiện, lợi nhuận khởi sắc
Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2024 và kế hoạch năm 2025 của VPBank nêu rõ, đến cuối năm 2024, quy mô tín dụng hợp nhất của ngân hàng đạt 710 nghìn tỷ đồng, tăng 18,2% so với đầu năm, trong đó, tín dụng của ngân hàng mẹ tăng 19,4%, cao hơn mức trung bình ngành (15,08%).
![]() |
Nguồn: Báo Tài chính - Đầu tư tổng hợp. |
Đồng hành cùng đối tác chiến lược Ngân hàng SMBC, VPBank mở rộng cơ hội hợp tác với khách hàng FDI, thu hút hơn 500 doanh nghiệp từ các tập đoàn đa quốc gia lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Dư nợ phân khúc này tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 3,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 20.012 nghìn tỷ, bật tăng hơn 85% so với năm 2023, song hoàn thành 86% kế hoạch.
Lợi nhuận chưa đạt kỳ vọng “Mặc dù kết quả lợi nhuận của ngân hàng mới hoàn thành 86% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao, chủ yếu bị ảnh hưởng bởi yếu tố vĩ mô thị trường bán lẻ chưa phục hồi toàn. Tuy vậy, xét trên tổng thể, tỷ lệ tăng trưởng hợp nhất và kết quả của Công ty tài chính FE Credit cũng là con số đáng khích lệ, Hội đồng Quản trị ghi nhận những nỗ lực của toàn bộ các thành viên ban điều hành VPBank trong những nỗ lực thúc đẩy hoạt động kinh doanh, xử lý những khó khăn từ giai đoạn khủng hoảng trước đây” - Chủ tịch VPBank đánh giá. |
Trong bức tranh tổng thể của tập đoàn, các công ty con của VPBank cũng ghi nhận những dấu ấn.
Ở mảng tài chính tiêu dùng, FE Credit đạt kết quả tích cực sau quá trình tái cơ cấu toàn diện, với sự tham gia mạnh mẽ của VPBank và đối tác chiến lược SMBC. Năm 2024, dư nợ cấp tín dụng của FE Credit đạt hơn 62 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với đầu năm, trong khi doanh số giải ngân cả năm tăng 40% so với năm 2023.
Với mảng chứng khoán, dư nợ cho vay margin và ứng trước tại VPBankS đạt hơn 9,5 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2024, tăng 33% so với đầu năm.
Chất lượng tài sản của VPBank được cải thiện đáng kể trong năm 2024. Quy mô nợ xấu (nợ nhóm 3-5) của VPBank đạt 29.070 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ và tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao trong vòng 3 năm trở lại đây. Trong khi nợ xấu nhóm 3 và 4 sụt giảm thì nợ xấu nhóm 5 tăng 40%, lên gần 6.200 tỷ đồng. Ngoài ra, số dư trái phiếu VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng) tính đến cuối năm 2024 còn gần 1.000 tỷ đồng.
Dù vậy, theo VPBank, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất cũng ghi nhận sự cải thiện lớn từ mức 4,48% tại thời điểm cuối năm 2023 xuống còn 3,52% vào cuối năm 2024, phản ánh sự phục hồi tích cực tại FE Credit với tỷ lệ nợ xấu giảm liên tiếp trong ba quý và sự cải thiện mạnh mẽ chất lượng tài sản của ngân hàng mẹ. Tỷ lệ bao nợ xấu cuối năm 2024 cải thiện nhẹ, đạt 56,17%./.