Tiềm năng vượt trội

Theo Viện Kinh tế - Xã hội TP. Cần Thơ, năm 2021, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp 31,37% GDP ngành nông nghiệp cả nước, (dự ước tỷ lệ này trong năm 2022 cao hơn đáng kể so với năm 2021). Trong đó, sản lượng lúa chiếm tới 50%, sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm tới 65% và sản lượng trái cây chiếm tới 70%; đồng thời ĐBSCL cũng đóng góp tới 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu. Với những lợi thế đó, ĐBSCL được xác định là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước…

Bên cạnh tiềm năng to lớn về phát triển nông nghiệp, theo thống kê, trong hai năm 2020-2021, ngành năng lượng ở ĐBSCL nổi lên như một điểm sáng, tuy chiếm chưa tới 10% số dự án, song lại tiếp nhận tới hơn 60% tổng vốn FDI của toàn vùng. Để phát huy tiềm năng và lợi thế, với những hứa hẹn tăng thu ngân sách nhiều hơn cho địa phương, giảm dần phụ thuộc vào trung ương và có thêm nguồn lực để tái đầu tư kết cấu hạ tầng cho địa phương mình, dư địa cho phát triển điện gió ngoài khơi ở ĐBSCL rất rộng mở.

Một góc trung tâm TP. Cần Thơ. Ảnh: SƠN NAM
Một góc trung tâm TP. Cần Thơ. Ảnh: Sơn Nam

Một số tỉnh như: Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh đã không ngần ngại mở rộng, tạo cơ chế, chính sách thông thoáng và cách tiếp cận mới để thu hút đầu tư FDI với ngành năng lượng sạch phục vụ cho sự phát triển của địa phương.

Hiện nhiều địa phương tại khu vực ĐBSCL đã nỗ lực đầu tư xây dựng các bến cảng đồng bộ, hiện đại để đáp ứng kịp thời nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong vùng. Điển hình như cảng Cần Thơ đang nghiên cứu triển khai các ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động khai thác cảng như Smart Gate, E-port, EDI/EDO. Các hoạt động này góp phần tạo thuận lợi cho khách hàng khi đến giao dịch với cảng, giảm thời gian chờ đợi, hướng đến giảm giấy tờ và phát triển hệ sinh thái cảng xanh tại các cảng trực thuộc.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, sự chủ động để mở rộng phát triển, khai thác tiềm năng vượt trội giữa các tỉnh và toàn vùng nhiều năm qua vẫn mang tính tự phát là chủ yếu theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, mà chưa có sự thống nhất thành chuỗi liên kết trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuỗi logistics để giảm tối đa chi phí vận chuyển hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Theo PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, hiện hạ tầng giao thông vận tải (chuỗi logistics) phát triển chậm và chưa đồng bộ vẫn là điểm nghẽn, kìm hãm sự phát triển của khu vực ĐBSCL.

Không thể xem nhẹ chuỗi logistics

Theo đánh giá của các bộ, ngành, địa phương, vùng ĐBSCL là khu vực có chi phí logistics hàng nông, thủy sản cao nhất, chiếm tới 30% giá thành sản phẩm. Hạn chế lớn nhất đối với phát triển kinh tế ĐBSCL chính là hệ thống logistics kết nối tất cả các bên trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ khâu thu mua nguyên vật liệu đầu vào, quá trình sản xuất đến khâu phân phối, tiêu thụ ra thị trường. Chi phí logistics quá cao không chỉ thiếu bền vững trong sự phát triển mà còn trở thành gánh nặng ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất ra tại vùng ĐBSCL.

Việc phát triển dịch vụ logistics kết nối vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, với chiều dài bờ biển trên 700km đi và đến vùng ĐBSCL đang có một tiềm năng rất to lớn. Vì vậy, nếu được đầu tư phát triển tốt cho logistics cũng góp phần giúp vùng ĐBSCL khắc phục được tình trạng thất thoát sau thu hoạch lên đến 20% của nhiều loại nông sản.

Còn theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), để phát triển logistics cho vùng ĐBSCL, cần nâng cao chất lượng quy hoạch, tập trung vào quy hoạch logistics toàn vùng, hoàn thiện thể chế chính sách để tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư trong hoạt động logistics, đặc biệt là hoạt động đầu tư các dự án, tạo cơ chế cho nhà đầu tư thúc đẩy đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải trong vùng.

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ "cất cánh" khi phát triển đồng bộ logistics

Trong những năm tới đây, nếu phát triển đồng bộ logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải, đồng bằng sông Cửu Long sẽ là một trong những khu vực phát triển mạnh mẽ, phát huy được tất cả lợi thế của vùng, đồng thời góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Cùng với đó, cần hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ logistics như đẩy mạnh đầu tư, tận dụng lợi thế sẵn có của phương thức vận tải đường thủy, cải tạo, nâng cấp các luồng tàu biển chính trong khu vực; phát triển cảng biển cần gắn với các trung tâm sản xuất hàng hóa, kêu gọi đầu tư cảng ngoài khơi để đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ĐBSCL sẽ có hai trung tâm logistics hạng 2 (cấp vùng) đi vào hoạt động. Quy hoạch cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng ra quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển ĐBSCL (nhóm 6) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ðây là những tiền đề quan trọng đẩy mạnh phát triển logistics, từ đó góp phần đưa hàng hóa của vùng vươn tầm khu vực và thế giới.