Chính sách tài chính hỗ trợ hiệu quả cho phục hồi, phát triển kinh tế
Ảnh minh họa.

TS. CẤN VĂN LỰC - THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG TƯ VẤN CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH TIỀN TỆ QUỐC GIA:

Dấu ấn 2 trọng tâm của chính sách tài khóa

Chính sách tài chính hỗ trợ hiệu quả cho phục hồi, phát triển kinh tế

Năm 2023, chính sách tài khóa hỗ trợ tiếp tục được thực thi với 2 trọng tâm: Chính sách miễn, giảm, giãn tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với tổng quy mô gần 200 nghìn tỷ đồng, khoảng 2% GDP năm 2023. Chính sách thúc đẩy đầu tư công với tổng quy mô 713 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022 và ước chiếm 7,1% GDP năm 2023.

Các chính sách tài khóa nói trên đã phát huy vai trò của mình trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thứ nhất, chính sách tài khóa mở rộng phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định vĩ mô. Cùng với chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả với việc giảm lãi suất điều hành, ổn định tỷ giá và lạm phát, chính sách tài khóa thông qua giảm thuế, phí đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ hai, chính sách tài khóa với trọng tâm là hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023 cùng với việc thúc đẩy đầu tư công và nhiều chính sách bổ sung như giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm thuế, phí…nhằm kích thích tổng cầu và vốn đầu tư tư nhân. Đây chính là chính sách tài khóa “nghịch chu kỳ”.

Để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng theo các mục tiêu đã đề ra, năm 2024, cần tiếp tục phối hợp chính sách hiệu quả, đặc biệt giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, xây dựng, bất động sản, lao động… Đức Việt (ghi)

PGS.TS. VŨ SỸ CƯỜNG - CHUYÊN GIA TÀI CHÍNH CÔNG:

Thành công từ chuyển đổi số của ngành Tài chính

Chính sách tài chính hỗ trợ hiệu quả cho phục hồi, phát triển kinh tế

Tôi đánh giá cao chính sách tài khóa giãn, giảm, miễn thuế, trong đó có việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) được Bộ Tài chính đề xuất, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua được triển khai đạt hiệu quả trong 2 năm qua.

Các giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế, mở rộng áp dụng công nghệ số của ngành Thuế, Hải quan đã phát huy tác dụng trong năm 2023. Đó là những cải cách thủ tục hành chính, điện tử hóa, số hóa quy trình thông quan hàng hóa của cơ quan hải quan và nộp thuế của cơ quan thuế mang lại tiện tích cho người nộp thuế được nhanh chóng chính xác, giảm thời gian chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Những giải pháp này cần được tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2024.

Ngoài ra trong năm 2024, chúng ta cần một số biện pháp cải thiện chính sách tài khóa thông qua việc triển khai hoạt động cải cách hệ thống thuế nhằm bồi đắp cho nguồn lực tài chính, ngân sách quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Mục tiêu của Chiến lược cải cách thuế của Việt Nam tới năm 2025, tỷ lệ thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên GDP không thấp hơn 16%, thu thuế đạt 13 - 14% GDP. Đến năm 2030, tỷ lệ thu NSNN/GDP đạt 16 - 17%, thu thuế đạt 14 - 15% GDP.

Vì vậy, cần tiến tới áp dụng một mức thuế suất GTGT; xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với một số mặt hàng rượu, bia, thuốc lá… Chính phủ cần tăng mức thu điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà; bổ sung đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Cùng với đó, thủ tục hành chính thuế cần tiếp tục được cải cách và mở rộng áp dụng công nghệ số với cơ quan thuế và hải quan để phục vụ người dân, doanh nghiệp được hiệu quả hơn. Song Linh (ghi)

TS. NGUYỄN VĂN HIẾN - CHUYÊN GIA KINH TẾ:

Các gói tài khóa hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp và người dân

Chính sách tài chính hỗ trợ hiệu quả cho phục hồi, phát triển kinh tế

Năm 2023 với sự tham mưu của Bộ Tài chính, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Các gói hỗ trợ tài khóa nói trên có ý nghĩa rất quan trọng và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Năm 2024 dự báo những thách thức và khó khăn đối với nền kinh tế vẫn còn rất lớn, đặc biệt là tình trạng phục hồi chậm chạp của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, thị trường trong nước ở hầu hết các lĩnh vực vẫn còn khá trầm lắng.

Theo đánh giá trong những năm qua, do Việt Nam thực hiện tốt chính sách tài khóa, thắt chặt kiểm soát chi tiêu, quản lý nợ công tốt nên trong năm 2024, Chính phủ cần tiếp tục tận dụng dư địa tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra.

Cách thức hỗ trợ từ tài khóa cũng cần một mặt hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng mặt khác cũng cần hướng tác động đến việc thúc đẩy tăng trưởng những lĩnh vực mang tính chiến lược quốc gia như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, công nghệ cao…. phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế, đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế phát triển dựa trên tri thức, đổi mới và sáng tạo và phát triển bền vững. Văn Nam (ghi)

TS. NGUYỄN QUỐC VIỆT - PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU KINH TẾ VÀ CHÍNH SÁCH (VEPR):

Các nguồn vốn ngân sách nhà nước cần làm tốt vai trò “vốn mồi”

Chính sách tài chính hỗ trợ hiệu quả cho phục hồi, phát triển kinh tế

Tôi đánh giá cao những chính sách tài chính mà Bộ Tài chính đã triển khai trong thời gian qua để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Những chính sách này thực sự đã góp phần hỗ trợ quan trọng cho tổng cầu trong giai đoạn kinh tế có nhiều biến động và nguy cơ suy giảm. Các giải pháp chính sách tài khóa và tiền tệ phù hợp vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô vừa kích thích tổng cầu (nhất là cầu tiêu dùng trong nước và các lĩnh vực có sự lan tỏa từ hiệu ứng giải ngân đầu tư công).

Chính sách tài chính dựa trên sức khỏe doanh nghiệp, nên theo tôi, thời gian tới, Chính phủ, Bộ Tài chính cần tiếp tục theo sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, từ đó có nguồn thu về cho ngân sách nhà nước.

Trong năm tới, chính sách tài khóa cần chú trọng cho đầu tư công, đảm bảo chi đúng, trúng và đủ cho các dự án trọng điểm. Việc giải ngân các nguồn vốn chi tiêu công, đầu tư công đúng tiến độ có ý nghĩa quan trọng, quyết định hiệu quả động lực đầu tư công cho tăng trưởng GDP trong năm 2024.

Các chính sách thuế, phí cũng cần dự báo trên tình hình thực tế. Trong bối cảnh cần duy trì chính sách tài khóa mở rộng, cố gắng thực hiện tiếp các chính sách miễn, hoãn, giãn, giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp như hiện nay để “khoan thư sức dân”.

Ngoài việc khoan thư sức dân, các chính sách tài chính cũng cần hướng đến tạo lập một môi trường minh bạch, ổn định và công bằng. Nhất là làm sao để các nguồn vốn ngân sách nhà nước cần làm tốt vai trò “vốn mồi” để thu hút được thêm các nguồn lực trong và ngoài nước, hỗ trợ cho quá trình phát triển các nền tảng hạ tầng cho các mô hình tăng trưởng mới như: kinh tế xanh, tuần hoàn và chuyển dịch năng lượng tái tạo.

Tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, nhất là tham gia xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các khoản nợ xấu, gắn với các can thiệp, hỗ trợ của Nhà nước nhằm đảm bảo lành mạnh hóa thị trường tài chính, tiền tệ, giúp hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Thảo Miên (ghi)

LS. PHAN HOÀI NAM - CHUYÊN GIA TƯ VẤN THUẾ:

Thể hiện rõ quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp

Chính sách tài chính hỗ trợ hiệu quả cho phục hồi, phát triển kinh tế

Những nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tài chính trong điều hành chính sách tài khóa năm qua là rất đáng ghi nhận. Thông qua các giải pháp hỗ trợ đối với cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2023 cũng như các năm trước, Chính phủ đã thể hiện một quyết tâm rõ ràng và nhất quán đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Điều quan trọng là các chính sách hỗ trợ đã thể hiện sự sát cánh và đồng hành của Chính phủ đối với doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam có nhiều khó khăn như hiện nay.

Các chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho doanh nghiệp thời gian qua đã mang hiệu ứng “nuôi dưỡng nguồn thu” rất rõ ràng. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như đề xuất của Bộ Tài chính sẽ là mấu chốt để Nhà nước và doanh nghiệp cùng sát cánh đương đầu với khó khăn trước mắt, tiếp tục chinh phục những cột mốc tăng trưởng mới.

Sang năm 2024, kinh tế thế giới vẫn được dự báo còn nhiều thách thức. Mong rằng, Chính phủ sẽ tiếp tục đưa ra những chính sách và giải pháp hỗ trợ thiết thực và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. Những chính sách tiếp tục thực hiện trong năm 2024 như giảm 2% thuế GTGT, tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu…. hay việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024 sẽ tạo nguồn lực và động lực tăng trưởng cho năm 2024, tạo sự yên tâm về môi trường kinh doanh, pháp lý cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các chính sách tài khóa cùng với các chính sách tiền tệ, nếu được thực hiện một cách hiệu quả sẽ là tạo nên đòn bẩy quan trọng giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm 2024. Luyện Vũ (ghi)

GS.TS ANDREAS STOFFERS - GIÁM ĐỐC QUỐC GIA VIỆN FNF VIỆT NAM:

Chính sách tài khóa của Việt Nam đi đúng hướng

Chính sách tài chính hỗ trợ hiệu quả cho phục hồi, phát triển kinh tế

Có thể nói rằng các chính sách tài khóa của Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng. Sau sự phục hồi nhẹ của kinh tế thế giới, sự bùng nổ xung đột ở vùng Trung Đông đặt ra mối đe dọa lớn hơn đối với sự ổn định của thị trường toàn cầu. Bối cảnh này đặt ra nhiều thách thức với chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam. Trong năm qua, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm giải quyết các điểm nghẽn trên thị trường. Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế tích cực liên tục thông qua các công cụ chính sách tài khóa.

Các gói hỗ trợ tài chính đã góp phần đáng kể giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng thời giúp Việt Nam không rơi vào vòng xoáy nợ nần. Có thể kể đến như: việc giảm 30% tiền thuê đất vào năm 2023; giảm 2% thuế GTGT và tiếp tục gia hạn đến hết tháng 6/2024; tiếp tục giảm 50% thuế môi trường đối với xăng, dầu... vào năm 2024; quyết liệt thực hiện các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...

Một thách thức lớn về chính sách tài khóa là việc triển khai thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu. Trước đây, việc áp dụng mức thuế tương đối thấp đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực là một lợi thế lớn để Việt Nam thu hút vốn FDI. Điều này chắc chắn sẽ không tiếp diễn với sự ra đời của thuế tối thiểu toàn cầu. Sau khi áp dụng, Việt Nam sẽ mất đi yếu tố hấp dẫn tài khóa. Vì vậy, cần phải có những biện pháp phù hợp kịp thời để giúp duy trì năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Việt Nam có dư địa tài khóa để thực hiện các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, khác với nhiều quốc gia khác. Các chính sách tài khóa và tiền tệ phối hợp đồng bộ sẽ đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô một cách hiệu quả. Hà My (ghi)