Nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt

Nhận thức rõ việc giải ngân nhanh vốn đầu tư công là động lực to lớn giúp phục hồi nền kinh tế, ngay từ đầu năm, hàng loạt các chỉ thị, nghị quyết, công điện của Chính phủ về đôn đốc, đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được ban hành.

Không dừng lại ở đó, người đứng đầu Chính phủ và các tổ công tác của Chính phủ đã có nhiều chuyến thị sát, kiểm tra các công trình, dự án, nhất là những dự án trọng điểm, có tính liên vùng. Không ít các chỉ đạo của Chính phủ đã được đưa ra ngay tại hiện trường để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp cho tiến độ thi công của dự án được đảm bảo, tạo thuận lợi cho công tác giải ngân vốn.

Tinh thần làm việc này đã lan tỏa tới từng cấp bộ, ngành, địa phương. Cùng với đó, các địa phương đã tăng cường cải cách hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm, nêu gương người đứng đầu. Do đó, những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công vốn đã tồn tại từ lâu nay đã dần được gỡ bỏ, giúp xóa dần tâm lý là đủng đỉnh đầu năm, gấp rút chạy tiến độ cuối năm trong đầu tư công.

Nguồn: Bộ tài chính. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Đơn cử như tỉnh Tiền Giang, ngay từ đầu năm, tỉnh này đã đồng loạt triển khai nhiều công trình đầu tư trọng điểm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cũng như kết nối vùng, liên vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Ngoài ra, để giải ngân nhanh vốn đầu tư công năm 2023, tỉnh Tiền Giang đã chú trọng giao vốn sớm cho các chủ đầu tư ngay từ tháng 12/2022 và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện của các dự án, nhất là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Với 1.653 tỷ đồng đã được giải ngân trong 3 tháng đầu năm, đạt 31,1% tổng kế hoạch vốn được giao và đạt trên 33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, hiện Tiền Giang đang đứng đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân cao.

Đứng sát ngay Tiền Giang là tỉnh Bến Tre với tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm đạt trên 30% tổng kế hoạch vốn và đạt gần 31% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Theo UBND tỉnh Bến Tre, xác định việc phân bổ vốn sớm là điều kiện tiên quyết cho việc giải ngân, nên ngay sau khi nhận kế hoạch vốn, tỉnh đã khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các huyện, thành phố. Đặc biệt, tỉnh Bến Tre đã ưu tiên vốn đầu tư cho các dự án, công trình thanh toán nợ, công trình đang triển khai thi công có tiến độ tốt, các công trình quan trọng, cấp bách, có khả năng hoàn thành trong năm 2023.

Về phía ngành Giao thông, tính đến ngày 31/3/2023, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giải ngân khoảng 17.000 tỷ đồng, đạt hơn 18% kế hoạch năm, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (đạt khoảng 14%). Hiện Bộ GTVT là 1 trong 2 bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 15%. Kết quả này có được là nhờ ngay từ đầu năm, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị cần có tư duy mới, cách làm mới, sáng tạo, quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, đẩy mạnh tiến độ giải ngân các dự án, đồng thời chú trọng đến công tác kiểm soát chất lượng các dự án…

Nỗ lực giải ngân trong các quý tiếp theo

Các chuyên gia kinh tế đã nhận định, nếu mọi năm, tăng trưởng kinh tế trông chờ rất nhiều vào khu vực sản xuất công nghiệp, thì năm 2023, động lực này đã suy giảm nặng nề và dự báo chưa thể sớm thoát khỏi khó khăn. Bởi thế, để thúc đẩy tăng trưởng, dịch vụ và đầu tư công được coi là động lực then chốt. Theo đó, với sự sốt sắng, vào cuộc của người đứng đầu Chính phủ đã trở thành nguồn cổ vũ lớn lao giúp cho các bộ, ngành, địa phương đưa ra quyết tâm thực hiện động lực then chốt này.

Phấn đấu duy trì thành tích trong top đầu cả nước về giải ngân cao và giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu UBND các huyện tiếp tục khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, bảo đảm sử dụng hiệu quả đồng vốn đầu tư công.

Là đầu tàu kinh tế của cả nước, nhưng trong quý I/2023, chỉ số tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh chỉ dừng ở con số 0,7%. Vì thế, đầu tư công là động lực vô cùng quan trọng để vực dậy sự tăng trưởng của thành phố trong thời gian này. TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra quyết tâm tập trung giải ngân vốn đầu tư công với các mốc thời gian cụ thể. Theo đó, trong quý II, thành phố phấn đấu giải ngân đạt 35% kế hoạch; hết quý III sẽ giải ngân đạt 58% kế hoạch và hết niên độ ngân sách năm 2023 sẽ giải ngân đạt 95% kế hoạch.

Khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước, Bộ Tài chính đang tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (bao gồm vốn chương trình mục tiêu quốc gia) năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng quy định.