Nhiều dòng thuế nhập khẩu giảm về 0% sẽ ảnh hưởng tới số thu ngân sách từ hoạt động nhập khẩu. Ảnh tư liệu |
Cơ cấu lại, bao quát các nguồn thu phù hợp với cam kết hội nhập Tận dụng tốt hơn nữa dư địa từ các hiệp định thương mại |
Thúc đẩy cơ cấu lại ngân sách nhà nước
Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu và chuyển hóa được các lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế thành những kết quả cụ thể trong việc tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa - dịch vụ; phát triển các khu vực kinh tế trong nước và xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đó, tăng khả năng hấp thụ khoa học công nghệ và hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế..., thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước phát triển hơn trong khu vực và thế giới.
Thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tếViệt Nam đã ký kết và thực hiện nhiều FTA quan trọng như EVFTA, CPTPP và RCEPT. Các FTA này đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện cho Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các ngành xuất khẩu chiến lược như dệt may, thủy sản, nông sản và điện tử đóng góp lớn vào nền kinh tế, chiếm tỷ trọng đáng kể trong GDP và thu NSNN. |
Hiện nay, Việt Nam có 16 Hiệp định thương mại tự do đã được đưa vào thực thi với hơn 60 đối tác, hầu hết là những nền kinh tế lớn phủ rộng khắp các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa nước ta trở thành một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và liên tục đạt kỷ lục về xuất siêu. Năm 2023 là năm thứ 8 liên tiếp xuất siêu đạt khoảng hơn 28 tỷ USD. Đây là thời kỳ xuất siêu dài nhất trong nhiều năm qua. Nếu trước đây hầu hết là nhập siêu, có xuất siêu cũng rất ít và dài nhất cũng chỉ 2 - 3 năm, với mức rất nhỏ nhoi. 9 tháng năm 2024 xuất siêu đã đạt khoảng 20,79 tỷ USD.
Theo Bộ Tài chính, ở góc độ tích cực, việc tham gia vào các FTA thế hệ mới với mức độ cam kết sâu rộng hơn và lộ trình cắt giảm thuế nhanh hơn đã và đang mở ra nhiều cơ hội mới thúc đẩy hoạt động thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các quốc gia và khu vực khác.
Việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách thuế, phí, lệ phí trong giai đoạn vừa qua đã góp phần động viên hợp lý, kịp thời nguồn lực cho ngân sách nhà nước (NSNN) theo hướng bền vững hơn, giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ thuế nhập khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và giải quyết việc làm. Tổng thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN. Nếu như năm 2011 chỉ chiếm 63,7% thì đến 10 tháng năm 2024, thu nội địa ước đạt trên 83% tổng thu ngân sách.
Đặc biệt, nguồn thu NSNN đa dạng hơn, thu từ các sắc thuế gắn với sản xuất và tiêu dùng trong nước có xu hướng ngày càng tăng, đáng kể nhất là thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường và thuế thu nhập cá nhân. Sự gia tăng vai trò của các khoản thu này đã làm cho hệ thống thu NSNN của Việt Nam có tính bền vững hơn.
Bảo đảm hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc gia nhập các FTA cũng đem lại cho nền kinh tế Việt Nam không ít thách thức cần phải vượt qua để phát triển, bắt kịp với xu thế hội nhập của thế giới.
Theo phân tích của TS. Hoàng Trung Đức – Khoa Tài chính công (Học viện Tài chính), một trong những cam kết quan trọng của các FTA là việc giảm hoặc xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ các đối tác FTA. Mặc dù điều này giúp thúc đẩy thương mại và tăng trưởng kinh tế, nhưng đồng nghĩa với việc giảm một phần nguồn thu từ thuế nhập khẩu, vốn là một nguồn thu quan trọng của NSNN. Mặc dù việc giảm thuế nhập khẩu mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp trong nước và người tiêu dùng, nhưng trong ngắn hạn lại gây khó khăn cho NSNN, đặc biệt khi các nguồn thu thay thế chưa được phát triển đầy đủ.
Bên cạnh đó, việc mở cửa thị trường theo cam kết trong các FTA cũng mang lại một số thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Cụ thể, hàng hóa từ các quốc gia đối tác FTA, với ưu đãi thuế quan, sẽ có giá thành cạnh tranh hơn khi nhập khẩu vào Việt Nam, từ đó tạo ra sức ép lớn đối với các ngành sản xuất nội địa. Khi các doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ giảm doanh thu và lợi nhuận. Điều này dẫn đến việc giảm thu thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản thuế liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để ứng phó, giải pháp tiên quyết được các chuyên gia khuyến nghị chính là cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Việt Nam phải thực hiện các biện pháp cải cách chính sách thuế và hải quan để bù đắp sự sụt giảm này. Thêm vào đó, cam kết quốc tế cũng yêu cầu Việt Nam phải tuân thủ các chuẩn mực về thương mại công bằng, minh bạch và tự do hóa thuế quan, điều này có thể tạo ra áp lực cải cách đáng kể đối với hệ thống chính sách hiện hành.
Cải cách chính sách thuế và hải quan không chỉ đơn thuần là việc giảm thuế mà còn phải bảo đảm hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu thuế, đồng thời đáp ứng các yêu cầu phức tạp về quy tắc xuất xứ và tiêu chuẩn kỹ thuật trong các FTA. Điều này đòi hỏi cơ quan thuế, cơ quan hải quan phải nâng cao năng lực về công nghệ, quy trình kiểm soát và quản lý để bảo đảm tính minh bạch, chính xác và nhanh chóng trong quy trình xử lý thuế quan và xuất nhập khẩu.
Bên cạnh cải cách, ông Nông Phi Quảng – Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho hay, một số giải pháp khác cũng đang được cơ quan hải quan tập trung. Có thể kể đến như, tập trung rà soát, thực hiện kiểm tra tên hàng, mã số, mức thuế tại khâu thông quan, khâu sau thông quan để phát hiện và xử lý các trường hợp khai sai mã số, khai ngụy trang tên hàng hoặc khai tên hàng không rõ ràng, đầy đủ để được áp dụng mức thuế thấp hoặc được hưởng các mức thuế ưu đãi đặc biệt, trong đó tập trung kiểm tra những mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về phân loại và áp dụng mức thuế.
Ngoài ra là thực hiện kiểm tra trị giá sau thông quan đối với những mặt hàng và doanh nghiệp có rủi ro khai báo sai về trị giá, nhằm xác định đúng trị giá hải quan, trị giá tính thuế; áp dụng các biện pháp kiểm tra, xác minh về tính chính xác, trung thực của thông tin xác định trị giá hải quan do doanh nghiệp xuất trình để phòng ngừa và phát hiện các trường hợp có gian lận giá, từ đó có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
ÔNG NGUYỄN VĂN HOÀN - PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC ĐIỀU TRA CHỐNG BUÔN LẬU (TỔNG CỤC HẢI QUAN): Tiềm ẩn gian lận từ ưu đãi thuế theo FTA Việt Nam đã và đang tích cực đàm phán, ký kết FTA với nhiều quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ thúc đẩy phát triển thương mại quốc tế. Song, khi cam kết theo các FTA, hàng hóa Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan. Chính vì lý do này, có một số doanh nghiệp từ các nước không được hưởng ưu đãi thuế quan đã lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa không đảm bảo xuất xứ Việt Nam sang các nước mà hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan. Qua theo dõi, tổng hợp tình hình và kết quả bắt giữ một số vụ việc buôn lậu, gian lận trốn thuế của ngành Hải quan cho thấy, bên cạnh phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu thường sử dụng như khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng, trị giá hàng hóa... thì xuất hiện phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi như khai sai xuất xứ hàng hóa, làm giả xuất xứ hàng hóa do cơ quan có thẩm quyền cấp, hoặc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa không phù hợp với bản chất xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý của hàng hóa. Để tiếp tục đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi này, Tổng cục Hải quan tiếp tục phân tích số liệu, lập danh sách mặt hàng, đối tượng trọng điểm có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến, các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa có rủi ro cao về gian lận xuất xứ để điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm. Đồng thời, tăng cường thu thập, phân tích rủi ro, xác định các doanh nghiệp có rủi ro cao để kiểm tra sau thông quan. |
ÔNG PHẠM HÀ LINH - TRƯỞNG PHÒNG, CỤC KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN (TỔNG CỤC HẢI QUAN): Thúc đẩy chương trình doanh nghiệp ưu tiên nhằm tận dụng các FTA Hiện nay so với các nước, số lượng doanh nghiệp ưu tiên (DNUT) của Việt Nam còn hạn chế. Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt lợi ích từ các FTA đặc biệt là sau khi tham gia các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA), Việt Nam cần có nhiều hơn các DNUT trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế của cả nước. Phía cơ quan hải quan và các bên liên quan đang thúc đẩy đám phán MRA trên cơ sở đánh giá đầy đủ tác động với doanh nghiệp và nền kinh tế. Chương trình MRA sau khi được ký kết với một số đối tác ngoài việc đem đến nhiều lợi ích cho các DNUT cũng tạo ra những áp lực cạnh tranh không nhỏ với các doanh nghiệp trong nước, khi mà hàng hóa của DNUT nước bạn cũng được hưởng ưu đãi khi vào nước ta. Như vậy, ưu đãi đã đạt đến mức độ toàn diện nhất, cả về thuế quan và về mặt thủ tục. Áp lực sẽ lớn hơn với những doanh nghiệp, ngành hàng chưa có sự chuẩn bị tốt. |
PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH - CHUYÊN GIA KINH TẾ: Kiểm soát hàng giả, hàng nhái, giám sát chất lượng hàng hóa Khi Việt Nam thực thi FTA thì việc gia tăng hàng hóa xuất khẩu là có nhưng chủ yếu là gia tăng với các quốc gia chưa có quan hệ thương mại thường xuyên. Với những nước là bạn hàng truyền thống thì mức tăng không rõ rệt. Do đó, về căn cơ, cần có chính sách ưu đãi thuế, phí, lệ phí giúp doanh nghiệp số hóa, xanh hóa, phát triển kinh tế tuần hoàn. Hiện tại, một số nước châu Âu đã có yêu cầu các nước có hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này phải có kế hoạch thu hồi các chế phẩm sau khi sử dụng để tái chế. Về nhập khẩu, cần có các biện pháp kiểm soát tránh hàng giả, hàng nhái, giám sát chất lượng hàng hóa. Trong điều kiện thương mại điện tử phát triển như hiện nay phải kiểm soát được xuất xứ, chất lượng hàng hóa. Đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan thường xuyên sửa đổi, bổ sung nhanh nhất các vấn đề về thông quan hàng hóa nói chung, cũng như thông quan hàng hóa với hoạt động xuất nhập khẩu trong các FTA, giúp tăng thu NSNN, góp phần bù đắp lại nguồn thu giảm do thực hiện ưu đãi thuế quan./. |