BD
Bộ LĐTBXH đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ cho người lao động. Ảnh minh họa

Thực tế triển khai có nhiều vướng mắc cần sửa đổi

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, đến cuối tháng 8/2021, đã có trên 37.000 hộ kinh doanh, 15 triệu người lao động và đối tượng khác được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg với số tiền chi hỗ trợ khoảng 8.400 tỷ đồng.

Tuy nhiên qua theo dõi, đánh giá tình hình triển khai thực hiện tại các địa phương và tổng hợp kiến nghị, đề xuất của các đối tượng cho thấy, tiến độ thực hiện các chính sách còn khá chậm, kết quả thực hiện tại một số chính sách chưa cao.

Nguyên nhân theo Bộ LĐTBXH là do hiện nay, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp với nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, một số địa phương khu vực Duyên hải miền Trung và thành phố Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Do hạn chế đi lại để phòng, chống dịch Covid-19 và tâm lý lo ngại tiếp xúc nơi đông người nên việc lập hồ sơ ban đầu để đề nghị hưởng chính sách còn chậm.

Bên cạnh đó, người lao động và người sử dụng lao động chưa thực sự hiểu hết các chính sách, chưa tích cực, chủ động gửi các hồ sơ đề nghị hỗ trợ tới các cơ quan của địa phương. Cán bộ ở các cấp địa phương còn có những cách hiểu khác nhau, do đó, chưa linh hoạt trong việc xử lý. Một số địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai dẫn đến tiến độ triển khai còn chậm.

Một số địa phương đã ban hành kế hoạch nhưng chưa khẩn trương tổ chức thực hiện hoặc triển khai ở mức độ thấp; các địa phương đã có quy định danh mục những ngành nghề, công việc của người lao động tự do, tuy nhiên, cán bộ ở cơ sở vẫn có cách hiểu khác nhau hoặc vẫn còn nhiều người lao động tự do làm các công việc không có trong danh mục nên chưa được hỗ trợ….

Bộ LĐTBXH cũng chỉ ra rằng, một số quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg vẫn chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, nhất là trong chính sách hỗ trợ tiền mặt, cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ví dụ như một số vướng mắc, khó khăn về điều kiện giảm doanh thu để được hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; điều kiện doanh nghiệp không có nợ xấu tại các ngân hàng; hồ sơ cần thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020…

Do vậy theo Bộ LĐTBXH, cần thiết phải ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP và quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định 23/2021/QĐ-TTg nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt để người sử dụng lao động và người lao động được hỗ trợ kịp thời.

Bổ sung thêm nhiều đối tượng thụ hưởng

Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc từ các địa phương trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ, Bộ LĐTBXH đang dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo đó, đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo việc làm cho người lao động về giảm doanh thu đối với doanh nghiệp xuống còn 5% so với mức giảm từ 10% trước đây.

Bên cạnh đó, sửa đổi điều kiện và bổ sung đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

Cụ thể trước đây, đối tượng được hưởng hỗ trợ là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, bị chấm dứt hoạt động tại các doanh nghiệp bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Nay sửa đổi, bổ sung thêm doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Tương tự như vậy, dự thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung đối tượng phải điều trị Covid-19, trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hưởng chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc.

Dự thảo mới còn sửa đổi, bổ sung đối tượng hộ kinh doanh trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg được hỗ trợ. Theo đó, hộ kinh doanh có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 hoặc có địa điểm kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Trong dự thảo mới, Bộ LĐTBXH cũng đề xuất cắt giảm điều kiện “người sử dụng lao động khó có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn” để được hưởng chính sách cho vay ngừng việc, vay trả lương phục hồi sản xuất.

Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, theo như trong Nghị quyết 68, Chính phủ chỉ đưa ra mức hỗ trợ tối thiểu để các địa phương căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của mình mà thực hiện hỗ trợ. Nay theo trong dự thảo sửa đổi, Bộ LĐTBXH đề xuất bổ sung nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Theo đó, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ 40% chi cho các đối tượng trên đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách./.

(Bài tuyên truyền thực hiện theo Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)