Mobile Money đã có 1,1 triệu khách hàng
Theo số liệu từ Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối tháng 3/2022, tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money là hơn 1,1 triệu khách hàng. Trong đó, số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là gần 660.000 khách hàng (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).
Đến cuối tháng 3/2022, tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money là hơn 1,1 triệu khách hàng. |
Về phát triển điểm kinh doanh, đến cuối tháng 3/2022, hơn 3.000 điểm kinh doanh được thiết lập. Trong đó, số lượng điểm kinh doanh thuộc vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là khoảng gần 900 điểm, chiếm khoảng 30% tổng số điểm kinh doanh được thiết lập. Tổng số đơn vị chấp nhận thanh toán được thiết lập đến cuối tháng 3/2022 là hơn 12.800 đơn vị chấp nhận thanh toán, trong đó chủ yếu là các đơn vị chấp nhận thanh toán cung ứng dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục,… Đến cuối tháng 3/2022, tổng số lượng giao dịch đã đạt hơn 8,5 triệu giao dịch với tổng giá trị hơn 370 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ Công an theo dõi, bám sát, đánh giá tình hình triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money; đồng thời hướng dẫn, giải đáp vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dịch vụ Mobile Money của doanh nghiệp thí điểm. Đây là những động thái cơ bản của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo việc triển khai dịch vụ Mobile Money được an toàn và hiệu quả, tăng được số người dùng đăng ký sử dụng dịch vụ cũng như tăng trưởng về khối lượng/giá trị giao dịch.
Về tính an toàn của Mobile Money ông Ngô Diên Hy- Phó Tổng giám đốc VNPT – một trong 3 đơn vị đã được cấp phép cung ứng dịch vụ Mobile Money cho biết, hệ thống của VNPT đã được trang bị đầy đủ tương đương như hệ thống “core banking” của khối ngân hàng tài chính và có khả năng truy vết các gian lận.
Có thể “đụng độ” dịch vụ thanh toán của ngân hàng
Đánh giá chung về tình hình triển khai Mobile Money, ông Lê Anh Dũng- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money đã đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, nhất là nhóm người dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ ngân hàng (unbanked/underbanked), đã và đang đi vào cuộc sống.
Với đánh giá trên của đại diện Ngân hàng Nhà nước, việc xác lập địa bàn chính của Mobile Money được thể hiện khá rõ ràng là những khu vực vùng sâu vùng xa (nhất là những nơi còn chưa có mạng internet). Tuy nhiên, thực thế có thể cho thấy vẫn có khả năng có sự cạnh tranh không kém phần khốc liệt giữa Mobile Money với dịch thanh toán trực tuyến của các ngân hàng ở khu vực thành phố.
Cách thanh toán bằng Mobile MoneyHạn mức thanh toán: 10 triệu đồng/tháng/tài khoản cho tổng giao dịch. Hình thức thanh toán trên Mobile Money: Thanh toán qua các ứng dụng do nhà mạng cung cấp; hoặc thanh toán qua tin nhắn SMS trên điện thoại. Mobile Money chỉ áp dụng cho thanh toán các giao dịch nội địa, chưa được phép thực hiện các hình thức giao dịch quốc tế. Cách nạp, rút tiền trên Mobile Money: Chủ thuê bao có thể nạp, rút tiền từ Mobile Money qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử; hoặc đến các điểm giao dịch của nhà mạng để thực hiện nạp, rút tiền. |
Nhìn lại số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong số 1,1 triệu khách hàng của Mobile Money vẫn có 440 khách hàng không phải ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Số lượng khách hàng này cũng chiếm tới 40% tổng số khách hàng đã sử dụng Mobile Money. Số lượng điểm kinh doanh không thuộc các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo cũng đang chiếm tới 70% tổng số điểm kinh doanh được thiết lập.
Diễn biến trên cho thấy, “địa bàn” của Mobile Money không phải chỉ ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo mà các nhà mạng hoàn toàn không có lý do gì bỏ qua khu vực thành phố. Trong khi đó, các nhà mạng được cung cấp dịch vụ là các tên tuổi lớn gồm MobiFone, Vinaphone, Viettel đều là những doanh nghiệp viễn thông có hệ thống dịch vụ mạnh cả ở các thành phố lớn.
Trong nội dung trao đổi mới đây của một đại diện doanh nghiệp viễn thông, công ty này cho biết tạo điều kiện cho mọi người dân ở khắp 63 tỉnh, thành phố từng bước được tiếp xúc với hình thức chi tiêu không tiền mặt. Công ty này có kế hoạch đưa vào hoạt động trên 100 điểm chợ 4.0 trên cả nước, cho phép người dân dễ dàng mua hàng bằng cách chuyển tiền/quét mã QR và phối hợp với hàng loạt trường hoc, bệnh viện… triển khai các cổng thanh toán hỗ trợ người dân đóng học phí, chi trả viện phí…
Với những động thái này, tham vọng của các hãng viễn thông trong việc “tung quân” vào thị trường thanh toán trực tuyến hoàn toàn không bỏ qua bất cứ địa bàn nào, đương nhiên bao gồm cả những địa bàn màu mỡ khu vực thành phố. Động thái này hàm chứa một cuộc chạy đua nảy lửa trong thời gian tới với giới ngân hàng trong chia sẻ thị phần dịch vụ thanh toán ở cả những địa bàn đông dân cư.