Cải cách cần được tạo áp lực thường xuyên, liên tục

Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho biết từ năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ hàng năm ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP).

Năm 2023, Chính phủ gộp nhiệm vụ cải cách môi trường kinh doanh vào thành một nội dung của Nghị quyết số 01, nhằm khẳng định đây là nhiệm vụ trong điều hành và phát triển kinh tế xã hội. Tuy vậy, do chỉ là một trong các nhiệm vụ của Nghị quyết số 01 nên mức độ quan tâm, động lực cải cách của các bộ, ngành, địa phương mờ nhạt hơn.

Trong khi đó, năm 2023, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và dự báo năm 2024 khó khăn vẫn nhiều hơn thuận lợi. Do đó, Chính phủ đã khôi phục lại Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc ban hành Nghị quyết 02 ngày 5/1/2024 nhằm tạo áp lực, đồng thời khơi dậy động lực, tinh thần cải cách của các bộ, ngành, địa phương.

Nghị quyết 02 trở lại làm

Hội nghị diễn ra sáng 29/2 tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trình bày một số nội dung của nghị quyết, TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM, cho biết tại Nghị quyết 02 năm 2024, Chính phủ tiếp tục xác định các mục tiêu cải cách theo thông lệ quốc tế, có chọn lọc trọng tâm để phù hợp với vấn đề, bất cập, tồn tại của từng năm.

Trong đó, một số mục tiêu dài hạn đến năm 2025 là: phát triển bền vững thuộc nhóm 50 nước đứng đầu; năng lực đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng ít nhất 3 bậc; chính phủ điện tử tăng ít nhất 5 bậc; quyền tài sản tăng ít nhất 2 bậc; hiệu quả logistics tăng ít nhất 4 bậc; năng lực phát triển du lịch và lữ hành tăng ít nhất 2 bậc; và an toàn an ninh mạng thuộc nhóm 30 nước đứng đầu.

Đồng thời, Chính phủ cũng xác định mục tiêu cụ thể cho năm 2024 là: Số doanh nghiệp gia nhập thị trường năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023; hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) tăng ít nhất 3 bậc; chất lượng môi trường tăng ít nhất 10 bậc; đăng ký tài sản tăng ít nhất 2 bậc…

Theo TS. Nguyễn Minh Thảo, sự trở lại của nghị quyết mang theo thông điệp rằng, cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, thể hiện mức độ quan tâm và đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên thách thức lớn là cần khơi dậy động lực, tạo áp lực thường xuyên, liên tục và cần sự đồng hành của nhiều bên.

“Tổ chức thực thi hiệu quả nghị quyết là điều doanh nghiệp trông chờ hơn cả và trong đó, sự chủ động và trực tiếp của người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan là yếu tố quan trọng quyết định thành công” - TS. Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh.

Nghị quyết 02 trở lại làm
Chính phủ xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện Nghị quyết 02 trong năm 2024.

Cải cách phải trở thành văn hóa, tập quán

Nêu ý kiến từ góc nhìn doanh nghiệp, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết, môi trường kinh doanh có những mặt thuận lợi hơn như: tài liệu được đơn giản hóa, thời gian giải quyết thủ tục rút ngắn, phương thức thực hiện qua điện tử phổ biến hơn, nhiều quy định vướng mắc liên quan đến điều kiện kinh doanh được kịp thời sửa đổi; tinh thần phân cấp mạnh mẽ trong thực hiện thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng kiến nghị cần đẩy mạnh hơn nữa tính thực chất, hiệu quả trong cải cách môi trường kinh doanh. Bởi thực tế, một số phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh còn hình thức; đề xuất cắt giảm thiếu tính đột phá; nhiều vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh chưa được xem xét…

“Đặc biệt, trong quá trình rà soát cắt giảm các văn bản hiện hành, có hiện tượng các văn bản đang soạn thảo lại bổ sung rào cản mới” - ông Đậu Anh Tuấn cho hay.

Một trong những ví dụ về vướng mắc được doanh nghiệp phản ánh đã lâu nhưng chưa sửa là Nghị định 09/2016/NĐ-CP yêu cầu tăng cường iốt vào muối dùng để ăn trực tiếp, chế biến thực phẩm; bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm.

“Doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm phản đối rất mạnh mẽ quy định này vì gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng chi phí và giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thiếu hiệu quả và không phù hợp với quốc tế. Nghị quyết 19/2018/NQ-CP đã yêu cầu sửa đổi quy định này, song đến nay vẫn chưa có nghị định sửa đổi” - ông Đậu Anh Tuấn nêu rõ.

Nhìn từ thực tế địa phương, TS. Nguyễn Phương Bắc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, trong bối cảnh dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng, các địa phương trên cả nước hân hoan chào đón, công bố các dự án mới liên tục, thì việc quan trọng hơn nữa là dành nhiều thời gian hơn nữa cho cải cách môi trường kinh doanh để các dự án sớm đi vào sản xuất và tiếp tục thu hút được dòng vốn mới.

Theo TS. Nguyễn Phương Bắc, sáng kiến cải cách kinh doanh gồm 2 nhóm, nhóm 1 là cải cách nền tảng, thể chế một cách dài hạn, nhóm 2 là khả năng thực thi mà đã được đo lường theo PCI.

Ở nhóm này, từ kinh nghiệm một số địa phương có những nỗ lực cải cách tốt như Đồng Tháp, Đà Nẵng… TS. Nguyễn Phương Bắc cho rằng cải cách phải trở thành tập quán, văn hóa thường ngày, còn nếu chỉ “gồng lên để cải cách lấy điểm” sẽ sớm đi xuống. “Muốn cải cách môi trường kinh doanh tốt phải làm được như Đồng Tháp, không căng cứng, gượng gạo. Cải cách trở thành tập quán, văn hóa… thì mới thành công” - ông nói.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ được giao tại nghị quyết. Đồng thời, các bộ, ngành chức năng cần xây dựng cơ chế theo dõi, đôn đốc, đánh giá, giám sát quá trình triển khai thực hiện để tạo áp lực chuyển động cải cách thực chất; xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được phân giao; kịp thời nhận diện các vướng mắc trong quá trình thực thi để tháo gỡ khó khăn hoặc đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền.

Với các bộ, ngành, địa phương chưa ban hành chương trình, kế hoạch hành động, đề nghị khẩn trương ban hành ngay và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, kế hoạch hành động cần xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ và lộ trình thực hiện; đồng thời phân công trách nhiệm rõ ràng.