Chi tiêu công hiệu quả ở các cấp ngân sách

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, đánh giá chi tiêu công là nội dung quan trọng của quản lý tài chính công. Báo cáo đánh giá chi tiêu công thời gian qua đã nêu những khuyến nghị cần thiết để hỗ trợ hoạch định chính sách phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) một cách tích cực, hiệu quả đóng góp tốt hơn cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.

Qua thực tiễn cho thấy, Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức trên con đường phát triển, do đó, Báo cáo đánh giá chi tiêu công đã đưa ra 68 khuyến nghị nhằm giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cân nhắc, lựa chọn các ưu tiên trong cải cách quản lý tài chính công để đem lại hiệu quả cao hơn. Đến nay, nhiều khuyến nghị của Báo cáo đánh giá chi tiêu công đã được luật hóa và đi vào cuộc sống.

Trên thực tế, Báo cáo đánh giá chi tiêu công được xây dựng từ năm 2014 và được công bố vào năm 2017. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, các khuyến nghị của báo cáo vẫn còn ý nghĩa đến thời điểm hiện nay.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: HỒNG VÂN
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Trình bày báo cáo tổng kết tình hình thực hiện các khuyến nghị và định hướng chính sách tài chính quốc gia 5 năm 2021 - 2025, ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, báo cáo cung cấp thông tin để giải đáp 3 câu hỏi lớn, đó là: Làm thế nào để tạo dư địa tài khóa đáp ứng các nhiệm vụ chi tiêu chính, đồng thời đảm bảo bền vững tài khóa? Làm thế nào để chi tiêu công ở các cấp trung ương và địa phương gắn kết tốt hơn với các ưu tiên của quốc gia? Làm thế nào để nâng cao trách nhiệm giải trình về kết quả, sao cho chi tiêu công đạt hiệu quả lớn nhất?

Sau 5 năm thực hiện, kết quả rất đáng khích lệ được Bộ Tài chính công bố đó là: có đến 65/68 (đạt 96%) các khuyến nghị được áp dụng; 41/68 khuyến nghị đã hoàn thành (chiếm 62%) và chỉ còn 3 khuyến nghị chưa triển khai (4%). 3 khuyến nghị chưa triển khai do có nguyên nhân khách quan từ các quy định pháp luật hiện hành, do đó, những sửa đổi, bổ sung cần phải tháo gỡ không phải trong một sớm một chiều.

“Những kết quả này đã góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh phòng chống lãng phí. Đồng thời các Báo cáo đánh giá chi tiêu công đã góp phần áp dụng các thông lệ quốc tế tốt về quản lý chi tiêu công; tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, gắn với tăng cường tự chủ của các địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách; tăng cường quản lý tài chính - ngân sách và đầu tư công” - ông Nguyễn Minh Tân cho hay.

Xử lý các điểm nghẽn, tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển

Trong giai đoạn 2021 - 2025, đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm là khoảng 6,5 - 7%/năm. Mục tiêu tổng quát trong thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm đó là: tiếp tục cơ cấu lại NSNN, tăng tỷ trọng các nguồn thu bền vững, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi cho đầu tư phát triển, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động của ngân sách địa phương.

Bà Steffi Stallmeister - Giám đốc quản lý danh mục, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, có thể tăng trưởng thêm 1% GDP

Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 khoảng từ 2 - 2,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu. Tuy nhiên trong thời gian tới, vẫn cần ưu tiên chống dịch, triển khai phủ sóng vắc-xin và một chính sách tài khóa mở rộng.

Ở Việt Nam, Chính phủ đã khởi xướng các gói kích thích kinh tế, tin mừng là Việt Nam vẫn còn dư địa, vì nợ công vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra, Chính phủ có thể chi tiêu nhiều hơn.

Thời gian tới tôi cho rằng, Chính phủ cần phải mở rộng phạm vi và có lựa chọn tốt hơn, đảm bảo người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được hỗ trợ đầy đủ; phải cải thiện hiệu suất đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tình hình giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam còn thấp, mới đạt hơn 50% trong 3 quý đầu của năm. Chúng tôi cho rằng, nếu Chính phủ Việt Nam giải ngân được hết nguồn vốn này trong năm, GDP có thể tăng trưởng khoảng 1% trong năm 2021.

Muốn vậy, Việt Nam phải đẩy nhanh việc lập dự án, phân bổ ngân sách và giải ngân nhanh. Trong tương lai cần tiếp tục thực hiện mục tiêu Việt Nam trở thành nền kinh tế xanh, kinh tế số. Khủng hoảng Covid-19 vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để đẩy nhanh các cải cách, chuyển đổi cần thiết để khôi phục phát triển kinh tế, để Việt Nam trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.

Các mục tiêu cụ thể về thu, chi, bội chi và nợ công cho giai đoạn mới này cũng đã được đặt ra. Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, ông Nguyễn Minh Tân cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, rất nhiều nhiệm vụ được đặt ra. Trong đó, tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện như: nghiên cứu sửa Luật NSNN và các văn bản pháp luật liên quan; khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện một số luật thuế, nhất là Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt…

Đồng thời, mục tiêu là tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN; nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính - NSNN; đẩy mạnh hoàn thiện đồng bộ cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường quản lý tài chính - NSNN, nợ công theo kế hoạch trung hạn.

Tuy nhiên, thời gian qua dưới tác động của dịch Covid-19, tình hình kinh tế của Việt Nam cũng như nhiều nước chịu ảnh hưởng nặng nề. Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội có những điều chỉnh hợp lý về chính sách tài khóa, hỗ trợ tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, sắp tới Chính phủ chuẩn bị chương trình hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, có giải pháp hữu hiệu bổ sung nguồn lực, đảm bảo công tác chống dịch hiệu quả hơn, đảm bảo an sinh xã hội và xử lý các điểm nghẽn về hạ tầng, đặc biệt hạ tầng trọng yếu về giao thông. Các mục tiêu đó, là các nội dung nêu trong các khuyến nghị của báo cáo chi tiêu công thời gian qua. Với yêu cầu đó, thời gian tới tiếp tục thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của Báo cáo đánh giá chi tiêu công, bởi cho đến nay nó vẫn còn ý nghĩa.

Bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới:

Chính sách tài khóa đã hỗ trợ kinh tế vượt qua khủng hoảng

Dịch bệnh khiến các nước trên thế giới tổn thất nguồn thu ngân sách khi các doanh nghiệp đóng cửa, trong khi đó phát sinh nhiều chi tiêu khác. Ở Việt Nam cũng vậy, dịch bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến số thu của Chính phủ, nguồn thu giảm mạnh khi nền kinh tế đóng cửa, cũng như bị ảnh hưởng do việc miễn giảm khấu trừ thuế hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua đại dịch.

Chi tiêu tăng lên, nhiều quốc gia phải chi tiêu rất nhiều tiền, nhiều gói hỗ trợ lớn. Bài toán được nhiều quốc gia sử dụng, đó là đẩy mạnh chi đầu tư, tăng tổng cầu hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch. Tuy nhiên, điều đó khiến mức nợ nhiều quốc gia tăng lên mạnh. Mức bội chi toàn thế giới, cân đối tài chính ngân sách tăng lớn, như tại Mỹ, Trung Quốc…

Cách thức Việt Nam ứng phó rất khác, chúng ta thấy nợ của Việt Nam không tăng mạnh, bội chi tăng một chút nhưng điều chúng tôi ghi nhận là: năm 2020 và năm 2021, các chính sách tài khóa đã hỗ trợ kinh tế vượt qua khủng hoảng.

Việt Nam đã rất thành công trong hỗ trợ tổng cầu khi đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020, nếu năm nay Việt Nam thực hiện tốt điều này, sẽ đẩy tăng trưởng thêm 1%.

Tôi cho rằng, trong hoạch định chính sách, chúng ta phải chuẩn bị để sẵn sàng cho các khủng hoảng trong tương lai. Việt Nam không có rủi ro trong vượt trần nợ công, do đó còn dư địa tài khóa để ứng phó với đại dịch và khủng hoảng.

Trong trung hạn, cần mở rộng cơ sở thu thuế, thông qua các chính sách thuế mới; quan tâm đến môi trường (nghiên cứu các chính sách thuế mới, như: thuế các-bon, thuế tài sản là chính sách thuế quan trọng đối với các quốc gia có thu nhập trung bình); đẩy mạnh số hóa, mở rộng khu vực kinh tế phi chính thức…