Siết chặt “định danh” để chống ma túy “lọt” qua đường hàng không
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh.

Vận chuyển ma túy qua đường hàng không gia tăng

Có thể nói, thời gian qua, tình hình mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua đường hàng không diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của Bộ Công an (C04, PC04 các tỉnh, thành phố…) liên tiếp phát hiện, đấu tranh bắt giữ, triệt phá nhiều đường dây vận chuyển trái phép các chất ma túy qua đường hàng không, chuyển phát nhanh và đường bưu điện từ các nước châu Âu như Séc, Ba Lan, Đức, Hà Lan… về Việt Nam tiêu thụ, thu giữ một lượng lớn các loại ma tuý, được lãnh đạo các cấp ghi nhận.

Theo số liệu do cơ quan hải quan công bố, năm qua, có 243 vụ/277 đối tượng về ma túy đã bị bắt giữ, trong đó cơ quan hải quan chủ trì 112 vụ.

Tang vật thu được khoảng 2,8 tấn ma túy các loại gồm: 3,1 kg thuốc phiện; 105,8 kg cần sa; 106,1 kg heroin; 330,9 kg cocain; 1.537 kg ketamin và 14.552 viên ketamin; 688 kg ma tuý tổng hợp và 3.224 viên ma tuý tổng hợp; 10,1 kg ma tuý khác; 1.155 viên ma tuý khác và 96,36 gram cỏ mỹ và 300 túi nước vui.

Là đơn vị phá nhiều chuyên án ma túy lớn qua đường hàng không, Cục Hải quan Hà Nội đã rút ra được nhiều kinh nghiệm “thực chiến”.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Dương Phú Đông - Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội cho hay, qua đấu tranh, đơn vị nhận thấy tội phám ma túy rất tinh vi, phức tạp và nguy hiểm.

Do đó, muốn hiệu quả, phá án thành công và an toàn thì phải đánh giá, nhận định đúng tình hình địa bàn, nắm chắc phương thức thủ đoạn vận chuyển, cất giấu, giao nhận ma túy. Đồng thời nắm chắc tuyến đường vận chuyển, nghiên cứu kỹ địa bàn, phong tục tập quán của địa phương tại khu vực thực hiện đấu tranh phá án để có kế hoạch cụ thể và dự tính các tình huống xử lý kịp thời.

Đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Công an nhấn mạnh vai trò của công tác phối hợp trong quá trình đấu tranh với loại tội phạm đặc thù này để tìm ra tới cùng bản chất của từng vụ việc và xử lý cho đúng, cho trúng.

Ví dụ điển hình là hai vụ việc do lực lượng chức năng TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội phát hiện trong năm qua. Hai vụ đều có những tiếp viên hàng không tham gia vận chuyển ma túy. Điều quan trọng là nhờ sự phối hợp chặt chẽ, cơ quan điều tra đã xác định được họ là những đối tượng bị lợi dụng, chứng minh được hành vi của những tiếp viên này không phải là chủ động. Đồng thời với sự hỗ trợ của họ đã “lần ra” đường dây đứng sau, khởi tố hàng trăm đối tượng liên quan.

Siết chặt “định danh” để chống ma túy “lọt” qua đường hàng không
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc biểu dương thành tích của 2 lực lượng trong đấu tranh phòng, chống ma túy. Ảnh: Đức Minh.

Không khoan nhượng với tội phạm ma túy

Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an biểu dương thành tích của 2 lực lượng Công an, Hải quan trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy thời gian qua.

Khẳng định quan điểm không khoan nhượng với tội phạm ma túy, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh mục tiêu không để tội phạm biến Việt Nam thành địa bàn chung chuyển ma túy giữa các nước trên thế giới.

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm ma túy, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị hai lực lượng tập trung đấu tranh quyết liệt với tinh thần phải giải quyết được “cầu” và triệt phá bằng được nguồn “cung”. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng cần được tăng cường hơn nữa, phấn đấu không còn khoảng trống cả về pháp luật, không còn khoảng trống giữa các lực lượng.

Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp, đồng bộ, huy động cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cấp cùng tham gia, mang lại hiệu quả tối đa.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Công tác phòng, chống ma túy có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính chất sống còn; quá trình đấu tranh rất khó và nguy hiểm. Do đó, sự phối hợp liên ngành chặt chẽ mới có thể đem lại hiệu quả cao nhất.

Bộ trưởng đề nghị hai lực lượng cần tăng cường quan hệ phối hợp tốt hơn nữa, đặc biệt là việc trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị công an đóng tại địa phương, C04 với ngành Hải quan từ lúc phát hiện nghi vấn, có tin báo, tin nóng đến quá trình đấu tranh, triệt phá.

Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về điều hành tài chính - ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đang và sẽ tiếp tục dành sự quan tâm cho việc hiện đại hóa trang thiết bị phòng, chống ma túy.

“Vừa qua, chúng tôi đã trang cấp thêm hệ thống máy soi cho cơ quan hải quan. Tới đây, cũng sẽ trang cấp cho lực lượng công an. Bộ cũng sẽ đề xuất đưa việc đầu tư các trang thiết bị phòng, chống ma túy hiện đại vào chương trình mục tiêu để góp phần hỗ trợ các lực lượng đấu tranh hiệu quả hơn” - Bộ trưởng chia sẻ.

Người đứng đầu ngành Tài chính cũng đặc biệt quan tâm vấn đề hoàn thiện pháp luật, nhất là các quy định về “cá thể hóa” thông tin của các doanh nghiệp chuyển phát nhanh, thông tin người gửi, người nhận hàng hóa. Điều này sẽ giảm thiểu rủi ro, nâng cao trách nhiệm của các cá nhân, doanh nghiệp có liên quan.

Siết chặt “định danh” để chống ma túy “lọt” qua đường hàng không
Tại hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đã trao Huân chương Chiến công hạng Nhất của Chủ tịch nước cho 2 tập thể, 2 cá nhân; Huân chương Chiến công hạng Nhì cho 3 cá nhân; Huân chương Chiến công hạng Ba cho 6 cá nhân; trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 6 cá nhân thuộc Cục Hải quan TP. Hà Nội và trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho các tập thể, cá nhân lập nhiều thành tích trong công tác phòng, chống ma túy thời gian qua. Ảnh: Đức Minh.