![]() |
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương, các đại sứ quán, tổ chức tài chính quốc tế, các quỹ đầu tư hàng đầu trên thế giới, các doanh nghiệp FDI, các định chế tài chính, các thành viên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp nhỏ và vừa... |
Tham dự Hội nghị có gần 400 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương, các định chế tài chính, các thành viên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, các cơ quan thông tấn, báo chí, trong đó có 150 đại biểu nước ngoài là đại diện các đại sứ quán, tổ chức tài chính quốc tế, các quỹ đầu tư hàng đầu trên thế giới, các doanh nghiệp FDI thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Đặt trọng tâm vào việc huy động vốn trong và ngoài nước
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội với chính sách nhất quán là đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, thu hút có hiệu quả cả nguồn vốn trong nước và quốc tế.
Trong những năm vừa qua Việt Nam đã thu hút khối lượng lớn vốn đầu tư qua thị trường vốn và thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Năm 2024 đánh dấu một năm thành công của nền kinh tế và thị trường vốn với tổng mức vốn huy động đạt gần 930 nghìn tỷ đồng, cao gấp 1,3 lần so với năm 2023, tương đương 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Cũng trong năm 2024, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 62,5% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 31,5% GDP. Nhà đầu tư nước ngoài đã mở gần 48.000 tài khoản đầu tư với tổng giá trị giao dịch gần 1,1 triệu tỷ đồng, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chiếm 20,7% tổng số nhà đầu tư tổ chức trên thị trường.
Khuyến khích các quỹ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh bền vững Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khuyến nghị các quỹ đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện với môi trường tại Việt Nam; chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp, chế độ, chính sách với người lao động và kịp thời kiến nghị, đề xuất các chính sách phù hợp. |
Cùng với sự tăng trưởng của vốn đầu tư gián tiếp, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2024 đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Những kết quả ấn tượng này đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, GDP năm 2024 đạt 7,09%, đưa quy mô nền kinh tế Việt Nam lên 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 trên thế giới.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nêu trên, tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, tổng giá trị tài sản các quỹ đầu tư còn khiêm tốn so với tiềm lực khi chỉ chiếm 6,5% GDP; còn với hoạt động đầu tư trực tiếp vẫn còn những vướng mắc về thủ tục hành chính, thuế, hải quan và ngoại hối...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định: “Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo quyết tâm khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực để phát triển, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo tiền đề phát triển ở mức hai con số trong thời gian tới nhằm sớm đưa đất bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
“Để đạt được các mục tiêu này, bên cạnh những giải pháp của Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn, nâng cao hiệu quả hiệu lực của bộ máy hành chính, chúng tôi đặt trọng tâm vào việc huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó có nguồn vốn đầu tư thông qua các quỹ đầu tư và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tập trung các giải pháp thúc đẩy thu hút vốn
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư trong kỷ nguyên mới.
Theo đó, sẽ tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, thúc đẩy vai trò của đầu tư tư nhân, ưu tiên đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu suất thực hiện các dịch vụ công, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, giữa khu vực trong nước và nước ngoài.
Cùng với đó, tiếp tục cải cách về thể chế thông qua hoàn thiện các văn bản pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế.
Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường vốn cả về chiều rộng và chiều sâu, quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán ngay trong năm 2025. Cùng với việc hoàn thiện cơ chế chính sách, Bộ Tài chính đang tích cực thực hiện các giải pháp đơn giản hóa thủ tục về đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia thị trường.
Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ đẩy mạnh phát triển hệ thống quỹ đầu tư. Bộ Tài chính sẽ thúc đẩy phát triển hệ thống quỹ đầu tư thông qua đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư, các bộ chỉ số chứng khoán và sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư; đa dạng kênh phân phối, tạo động lực cho các công ty quản lý quỹ thiết lập các quỹ đầu tư mới trên thị trường; nghiên cứu xem xét các chính sách thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán theo đúng bản chất hoạt động của quỹ đầu tư để thúc đẩy đầu tư qua các định chế tài chính chuyên nghiệp này.
Bên cạnh đó, sẽ khuyến khích thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua việc tiếp tục cùng với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thu hút vốn FDI như: cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính; đẩy mạnh hợp tác công tư; ban hành chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc…
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ duy trì đối thoại chính sách để kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc và chủ động đề xuất giải pháp xử lý, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư tại Việt Nam.
Bà Vũ Thị Chân Phương – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Thúc đẩy ngành quỹ phát triển để thu hút vốn dài hạn
Việc thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành quỹ không chỉ giúp thu hút dòng vốn dài hạn mà còn góp phần xây dựng một cơ sở nhà đầu tư ổn định và bền vững hơn. Đồng thời, sự mở rộng của các quỹ đầu tư đa dạng như quỹ chỉ số, quỹ ESG, quỹ hạ tầng… sẽ không chỉ tăng cường sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, mà tạo động lực quan trọng giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững, thúc đẩy kinh tế phát triển, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược mà Chính phủ đã đề ra. Để đạt mục phát triển ngành quỹ, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp về quỹ đầu tư chứng khoán. Cùng với đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang nghiên cứu để ban hành các quy định về các loại hình quỹ mới như quỹ chỉ số, quỹ đầu tư vào công cụ thị trường tiền tệ, quỹ đầu tư vào trái phiếu cơ sở hạ tầng…; tiếp tục đa dạng hóa các bộ chỉ số chứng khoán; phát triển hàng hóa trên thị trường chứng khoán… Bà Nguyễn Ngọc Anh - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM): Số lượng nhà đầu tư tham gia vào các quỹ đã tăng gấp đôi
Các cơ quan quản lý đã không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng khung pháp lý và triển khai các đề án phát triển nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của ngành quỹ. Đáng chú ý, sự quan tâm của nhà đầu tư cá nhân đối với các sản phẩm quỹ ngày càng gia tăng, thể hiện qua số lượng nhà đầu tư tham gia vào các quỹ đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng một năm qua. Để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của ngành quỹ, việc hoàn thiện khung pháp lý là điều kiện tiên quyết, trong đó cần tháo gỡ các rào cản pháp lý nhằm tạo điều kiện để các quỹ tham gia sâu rộng hơn vào thị trường chứng khoán. Ngoài ra, công tác đào tạo, tuyên truyền cần được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức của nhà đầu tư về vai trò và lợi ích của các sản phẩm quỹ, từ đó giúp gia tăng niềm tin và mức độ tham gia của nhà đầu tư vào thị trường quỹ. Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc, Khối đầu tư Dragon Capital: Tạo động lực cho người dân tham gia vào các sản phẩm đầu tư chính thống
Dù có sự phát triển mạnh mẽ, song các sản phẩm đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa thu hút được sự tham gia sâu rộng từ các nhà đầu tư cá nhân. Điều này cho thấy sự cần thiết của đào tạo tài chính không chỉ cho một nhóm nhỏ nhà đầu tư mà cần được triển khai trên quy mô lớn hơn. Một hệ thống giáo dục tài chính bài bản sẽ giúp người dân nâng cao hiểu biết, từ đó đưa ra quyết định đầu tư chính xác hơn, tránh rơi vào các mô hình tài chính rủi ro hoặc lừa đảo. Nếu chúng ta có niềm tin rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong 10 - 15 năm tới, thì cần có các chính sách tạo điều kiện để người dân tham gia vào sự tăng trưởng này. Hiện nay, có nhiều tổ chức tài chính uy tín đã và đang cung cấp các sản phẩm đầu tư chuyên nghiệp, nhưng để mở rộng quy mô, cần có thêm những biện pháp hỗ trợ từ phía Nhà nước. |