Giá trị giải ngân tập trung ở các dự án cao tốc Bắc - Nam

Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư Bộ GTVT, tính đến ngày 31/3/2023, Bộ GTVT giải ngân khoảng 17.000 tỷ đồng, đạt hơn 18% kế hoạch năm, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (đạt khoảng 14%). Tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm của Bộ GTVT cao hơn mức trung bình cả nước (10,35%), là một trong hai bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 15%. Giá trị giải ngân 3 tháng đầu năm tập trung ở các dự án cao tốc Bắc - Nam, với giá trị 11.198 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 80% giá trị giải ngân của cả Bộ GTVT.

Thi công cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu. Ảnh: MINH HẢI
Thi công cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu. Ảnh: Minh Hải

Cụ thể, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 giải ngân 2.227 tỷ đồng, đạt 12,5% kế hoạch năm. Các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 giải ngân 11.199 tỷ đồng, đạt 24,8% kế hoạch năm. Các dự án trọng điểm, cấp bách, giải ngân gần 98 tỷ đồng, đạt 4,3% kế hoạch năm. Các dự án ODA giải ngân xấp xỉ 485 tỷ đồng, đạt 6,2% kế hoạch năm. Các dự án trong nước khác giải ngân 2.997 tỷ đồng, đạt 14,3% kế hoạch năm.

Xét theo nhóm chủ đầu tư, ban quản lý dự án (QLDA), giá trị giải ngân tập trung ở các chủ đầu tư, ban QLDA thuộc Bộ GTVT với giá trị giải ngân gần 16.900 tỷ đồng, đạt 19,6% kế hoạch năm và chiếm tỷ trọng 99,3% giá trị đã giải ngân của Bộ GTVT. Các chủ đầu tư khác tiến độ giải ngân đã có chuyển biến trong tháng 3 nhưng vẫn rất chậm, chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Trong đó, có 8/23 chủ đầu tư giải ngân, với giá trị khoảng hơn 112 tỷ đồng, đạt trung bình 5% kế hoạch giao, gồm: VEC, Sở GTVT Đồng Tháp, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Bình, Phú Thọ, Bắc Kạn và Lào Cai. Có 15/23 chủ đầu tư chưa giải ngân, kế hoạch vốn bố trí cho các chủ đầu tư này chủ yếu phục vụ hoàn ứng và quyết toán dự án.

"Riêng dự án tuyến tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột do Ban QLDA công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn Đắk Lắk là chủ đầu tư có khối lượng và công địa thi công, song, tiến độ triển khai chậm, từ đầu năm đến nay chưa thực hiện giải ngân”, lãnh đạo Vụ Kế hoạch – Đầu tư thông tin.

Cũng theo Vụ Kế hoạch – Đầu tư Bộ GTVT, thời gian tới tình hình kinh tế tiếp tục có diễn biến khó lường, tốc độ tăng lạm phát vẫn ở mức cao, giá vật liệu xây dựng có xu hướng tăng cao, đặc biệt là giá cát khu vực miền Trung. Vì vậy, các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu lường trước các khó khăn, xây dựng kế hoạch tập kết vật liệu xây dựng dự phòng trong trường hợp biến động mạnh giá vật liệu, đảm bảo tiến độ thi công các dự án, công trình giao thông trọng điểm.

Khắc phục triệt để khó khăn về mặt bằng, vật liệu

Khó khăn chung của các dự án cao tốc Bắc – Nam là mặt bằng và vật liệu. Để có kết quả giải ngân hoàn hảo cuối năm cần giải quyết triệt để 2 vấn đề này. Các nhà thầu đã sẵn sàng nguồn lực để bứt tốc nhưng nếu mặt bằng chưa được khơi thông thì rất khó để triển khai thi công đồng loạt.

Theo đại diện Cienco4 đang thi công cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 đoạn Bùng - Vạn Ninh, theo hồ sơ diện tích mặt bằng địa phương bàn giao cho Cienco4 thi công được 7 km nhưng thực tế, chiều dài mặt bằng thi công liên tục chỉ được 4 – 5 km. Còn tại dự án đoạn Vân Phong - Nha Trang, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) mặc dù nhận được sự vào cuộc rốt ráo của tỉnh Khánh Hòa, tỷ lệ bàn giao đã đạt 73% song vẫn còn 9 điểm mặt bằng xen kẹt, xôi đỗ (6 km). Một khó khăn nữa là mỏ đất đắp. Theo tính toán, tổng nhu cầu đất đắp khoảng 9 triệu m3. Trong đó, gần 3 triệu m3 tận dụng từ công tác đào nền. Hơn 6 triệu m3 còn lại khai thác từ mỏ dự kiến giao cho nhà thầu khai thác trực tiếp.

Bộ Giao thông vận tải giải ngân đạt hơn 18% kế hoạch năm

Tính đến ngày 31/3/2023, Bộ Giao thông vận tải (BGTVT) giải ngân khoảng 17.000 tỷ đồng, đạt hơn 18% kế hoạch năm, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (đạt khoảng 14%). Tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm của Bộ GTVT cao hơn mức trung bình cả nước (10,35%), là một trong hai bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 15%”. Giá trị giải ngân 3 tháng đầu năm tập trung ở các dự án cao tốc Bắc - Nam, với giá trị 11.198 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 80% giá trị giải ngân của cả Bộ GTVT.

Theo ông Nguyễn Thế Minh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng Bộ GTVT, đến nay, các địa phương đã bàn giao khoảng gần 80% diện tích mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, nhưng công địa có thể tổ chức thi công đồng loạt chỉ đạt khoảng 53%. Tháo gỡ khó khăn hiện tại, cục đã tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT làm việc, đề nghị các địa phương giải quyết vấn đề mặt bằng, có mặt bằng “sạch” dự án mới có kịch bản hoàn hảo về giải ngân.

Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã chỉ đạo các ban QLDA trên cơ sở giá trị cần giải ngân, làm phép tính ngược sản lượng cần hoàn thành là bao nhiêu, từ đó xác định ưu tiên mũi thi công vào các hạng mục nào, tính số lượng máy móc, thiết bị, con người để triển khai.

Việc lập tiến độ thi công phải đảm bảo tính khả thi, tính cả đến rủi ro thời tiết, khả năng cung cấp nguồn vật liệu… Tiến độ phải được kiểm soát hàng tuần, mũi thi công nào không đáp ứng được kế hoạch cần có ngay giải pháp để tăng ca tăng kíp hoặc bổ sung mũi thi công.

Yêu cầu giải ngân cũng đòi hỏi phải nhanh chóng triển khai các hạng mục giá trị sản lượng cao, những đoạn tuyến thuận lợi, đủ điều kiện phải dồn lực thi công cuốn chiếu.