Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đến hết quý II/2022 còn hơn 310 tỷ đồng Sửa Luật để quản lý dịch vụ thẩm định giá chuyên nghiệp, chuyên sâu hơn Còn chồng chéo trong việc định giá hàng hoá, dịch vụ

Bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá

Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tại phiên họp, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) gồm 8 chương, 72 điều. Nội dung dự thảo Luật giá (sửa đổi) đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 9 nhóm chính sách đề nghị xây dựng Dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 03/12/2021.

Trong đó, về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Chính phủ rà soát, đề xuất đưa ra khỏi danh mục 14 hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với 4 tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá đã đề ra tại Luật và thực hiện theo cơ chế giá thị trường gồm: Dịch vụ hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay, dịch vụ soi chiếu an ninh; một số nội dung của thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán (trừ dịch vụ do nhà nước cung cấp); thuốc lá điếu sản xuất trong nước ; thù lao dịch vụ đấu giá; dịch vụ quy hoạch; thù lao môi giới, dịch vụ đưa người lao động đi nước ngoài làm việc; thù lao công chứng; cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản nhà nước là công trình kết cấu hạ tầng; nước ngầm; dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ; nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư, xây dựng; mặt nước; dịch vụ sử dụng khu vực biển.

Bộ trưởng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tại phiên họp

Bên cạnh đó, Chính phủ đề nghị bổ sung 2 mặt hàng gồm sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất. Riêng đối với dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, trên cơ sở chủ trương của Quốc hội, Chính phủ sẽ khẩn trương nghiên cứu, đánh giá kĩ để có Đề án riêng trình Quốc hội ban hành nghị quyết thực hiện. Do đó, trước mắt chưa đưa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Liên quan đến chính sách về bình ổn giá, các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như Luật hiện hành, tuy nhiên có điều chỉnh theo nội dung chính sách. Trong đó, tiếp tục áp dụng công cụ quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Đề nghị quy định giá bán sách giáo khoa tối đa

Theo UBTCNS, sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu. Giá sách giáo khoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều đơn vị được phép phát hành sách, thị trường có tính cạnh tranh. Do vậy, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo, UBTCNS đề nghị Nhà nước quy định giá bán tối đa; không ấn định giá, để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm và quyền lợi của người dân; đồng thời cần kiểm soát việc tổ chức thực hiện, bảo đảm không để thông đồng giá.

Tại báo cáo thẩm tra, về nội dung tiếp tục áp dụng công cụ quỹ bình ổn giá xăng dầu, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc cần thiết phải duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu, vì đây là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính. Trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước, khi quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở thì việc bỏ Quỹ hiện tại là chưa phù hợp. Bên cạnh đó, thực tế thời gian qua cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm được tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động của giá, từ đó đã giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống người dân.

Rà soát các quy định quản lý nhà nước về giá

Thảo luận tại phiên họp về dự án Luật, đa số ý kiến trong UBTVQH nhất trí với đề xuất sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực giá. Các đại biểu đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị công phu, hồ sơ dự án Luật tương đối đầy đủ theo quy định.

Các thành viên UBTVQH cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định về quản lý nhà nước về giá, hạn chế việc phân công quá cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, vì những điều này thuộc thẩm quyền của Chính phủ, theo quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, sửa đổi Luật Giá là một dịp để đánh giá căn cơ về quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá. Trước đây, Bộ Tài chính phụ trách toàn bộ công tác này, bao gồm cả giá điện, giá thuốc, giá năng lượng, giá đất… Hiện nay, Bộ Tài chính chỉ giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá, còn giá cụ thể thì phân cấp cho các Bộ, ban, ngành khác. Cho rằng đây là bước tiến quan trọng, đem đến kết quả tích cực, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần đánh giá thêm việc chuẩn bị tâm thế và lực lượng để thực hiện công tác điều hành, quản lý giá ở các Bộ chuyên ngành, nhất là với những Bộ chưa có kinh nghiệm trong công tác này nhiều như Bộ Tài chính, nên đã xảy ra việc lúng túng trong quá trình định giá.

Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu dự thảo vẫn giữ thì cần có sự phân tích, đánh giá cụ thể, mặt lợi, hại của việc giữ hay bỏ Quỹ.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cám ơn các ý kiến đóng góp và cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo.

Về danh mục các mặt hàng do Nhà nước định giá, tiếp thu ý kiến tại phiên họp, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện lại dự thảo Luật Giá theo hướng danh mục hành hóa, dịch vụ bình ổn giá do Quốc hội quyết định. Khi sửa đổi, bổ sung thì Chính phủ sẽ trình UBTVQH quyết định.

Giải thích việc bổ sung một số mặt hàng vào danh mục Nhà nước quản lý giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết việc này là để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, nhân dân. Chẳng hạn như mặt hàng sách giáo khoa được đưa vào vì đây là mặt hàng ảnh hưởng đến đa số người nghèo, cần sự hỗ trợ, điều chỉnh của nhà nước.

Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ trưởng nêu rõ thời gian qua lợi ích của Quỹ rất lớn trong điều hành giá xăng dầu, nhất là khi giá biến động lớn trong năm 2022. Cùng với nhiều các công cụ khác như thuế, phí, đa dạng hóa nguồn cung, giảm chi phí, Quỹ Bình ổn là một trong các công cụ hữu ích. Việc giảm thuế, phí có thể phù hợp trong ngắn hạn, nhưng dài hạn thì rất khó khăn, ảnh hưởng đến thu ngân sách. Do đó, rất cần có các giải pháp đồng bộ để điều hành, bao gồm cả Quỹ Bình ổn giá, góp phần giúp quản lý hiệu quả giá xăng dầu.

Sau khi xem xét, thảo luận, UBTVQH đề nghị các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH để khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật, hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4 và trường hợp cần thiết có thể báo cáo thêm tại kỳ họp vào tháng 10/2022 để xin ý kiến của UBTVQH nếu còn có các nội dung cần xin ý kiến, sau đó sẽ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.