Bộ trưởng Hồ Đức Phớc - Tổ trưởng Tổ công tác số 6 theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ đã đến kiểm tra, đôn đốc tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại một số dự án trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa.

Cùng đi kiểm tra tình hình giải ngân các dự án có ông Nguyễn Hải Ninh - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; đại diện lãnh đạo một số vụ, cục chức năng thuộc Bộ Tài chính và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh Khánh Hòa.

“Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm” để đạt tiến độ

Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, nhưng đến thời điểm 7 tháng năm 2022, tỉnh Khánh Hòa đã giải ngân đạt 31,4%, ước 8 tháng đạt 40,1%. Đây là mức đạt khá so với bình quân chung cả nước (7 tháng là 29,93%, ước 8 tháng là 36,2%).

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đẩy nhanh giải ngân với tinh thần “có đi mới đến, có làm mới xong”
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc kiểm tra tình hình triển khai một số dự án đầu tư công tại Khánh Hòa. Ảnh: Minh Tuấn.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã đến kiểm tra dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên Hải - Tiểu dự án thành phố Nha Trang.

Con đường dài gần 5km dẫn vào dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải phía Bắc hẹp, sình lầy khó đi cho thấy cường độ thi công đang ở vào thời điểm nước rút. Không khí lao động vẫn rất khẩn trương trong cái nắng gay gắt.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Hồ Tấn Quang- Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa cho biết, dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư là 1.607.510 triệu đồng, nguồn vốn ODA là 1.352.899 triệu đồng, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh là 254.611 triệu đồng.

Khánh Hòa ước giải ngân 8 tháng đạt hơn 40%

Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, nhưng đến thời điểm 7 tháng năm 2022, tỉnh Khánh Hòa đã giải ngân đạt 31,4%, ước 8 tháng đạt 40,1%. Đây là mức đạt khá so với bình quân chung cả nước (7 tháng là 29,93%, ước 8 tháng là 36,2%).

Tình hình bố trí vốn cho dự án, đến nay đã được bố trí vốn ngân sách trung ương là 315.850 triệu đồng (vốn ODA 251.438 triệu đồng, ngân sách trung ương đối ứng 64.412 triệu đồng). Kế hoạch vốn năm 2022 là 327.253 triệu đồng (trong đó vốn cân đối ngân sách địa phương là 31.840 triệu đồng, vốn ODA cấp phát là 95.413 triệu đồng, vốn vay lại 200.00 triệu đồng). Giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đến 18/8/2022 là 60.867 triệu đồng đạt 18,6% kế hoạch vốn giao.

Với quyết tâm thực hiện cho đạt mục tiêu đề ra, phấn đấu hoàn thành dự án vào quý I/2022, nhà thầu thực hiện phương châm “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, huy động tối đa nhân lực, phương tiện để đạt tiến độ dự án, có khối lượng hoàn thành để giải ngân vốn.

Chủ động vào cuộc tháo gỡ khó khăn

Báo cáo với đoàn công tác, ông Hồ Tấn Quang cho biết, vướng mắc của dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên Hải - Tiểu dự án thành phố Nha Trang ngoài việc áp dụng các chính sách bồi thường hỗ trợ chung theo quy định của pháp luật còn được áp dụng khung chính sách riêng của dự án.

Hiện nay do thay đổi chính sách bồi thường hỗ trợ tại các Quyết định 10/2021/QĐ-UBND ngày 26/8/2021 và Quyết định 04/2022/QĐUBND ngày 9/3/2022 của UBND tỉnh Khánh Hòa nên một số chính sách áp dụng riêng cho dự án đang được trình UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét. Ngoài ra, do thay đổi Quyết định 2179/QĐ-UBND ngày 05/8/2022 của UBNB tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt giá cây trồng nên các phương án bồi thường hỗ trợ trước đây đã được hội đồng bồi thường thông qua đã niêm yết phải chỉnh sửa thông qua và niêm yết lại.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đẩy nhanh giải ngân với tinh thần “có đi mới đến, có làm mới xong”
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa kiểm tra dự án Đường D30- Kết nối đường 23 tháng 10 với đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Minh Tuấn.

Bên cạnh đó, một số hộ dân bị ảnh hưởng còn đang so sánh giá bồi thường hỗ trợ với giá giao dịch giá thị trường bất động sản nên còn e ngại chưa phối hợp. Trung tâm Phát triển quỹ đất phát triển tỉnh Khánh Hòa là đơn vị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời Trung tâm cũng thực hiện giải phóng mặt bằng cho nhiều dự án khác, do đó nhân lực tập trung cho dự án CCSEP còn hạn chế, công tác lập và chỉnh sửa phương án sau khi Họp hội đồng còn chậm, chưa đáp ứng được tiến độ cấp bách đề ra hiện nay.

Tiếp sau đó, đoàn công tác đã đi kiểm tra 3 dự án đó là: Dự án Bệnh viện Ung bướu; dự án Bệnh viện đa khoa Nha Trang và dự án Đường D30 - Kết nối đường 23 tháng 10 với đường Võ Nguyên Giáp.

Dự án Bệnh viện Ung bướu với tổng mức đầu tư là 560.862 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Đến nay, dự án đã được bố trí 401.900 triệu đồng. Kế hoạch vốn năm 2022 là 190.500 triệu đồng. Giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đến 18/8/2022 là 41.430 triệu đồng đạt 21,7% kế hoạch vốn giao.

Dự án Bệnh viện đa khoa Nha Trang với tổng mức đầu tư là 355.296 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Đến nay, dự án đã được bố trí 258.881 triệu đồng. Kế hoạch vốn năm 2022 là 111.116 triệu đồng. Giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đến 18/8/2022 là 27.927 triệu đồng đạt 25,1% kế hoạch vốn giao.

Dự án Đường D30 - Kết nối đường 23 tháng 10 với đường Võ Nguyên Giáp với tổng mức đầu tư là 129.534 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Đến nay, dự án đã được bố trí 61.528 triệu đồng. Kế hoạch vốn năm 2022 là 25.068 triệu đồng. Giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đến 18/8/2022 là 5.320 triệu đồng, đạt 21,2% kế hoạch vốn giao.

Đối với 2 dự án đầu tư 2 bệnh viện, tiến độ thực hiện dự án chậm do công tác đấu thầu thiết bị, về xây dựng đến nay cơ bản đã hoàn thành 80-90% số lượng công việc.

Dự án Đường D30 - Kết nối đường 23 tháng 10 với đường Võ Nguyên Giáp vướng mắc chủ yếu vẫn ở công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Kiểm tra tình hình các dự án tại thực địa, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị nhà thầu cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đẩy nhanh đấu thầu, thi công công trình, nghiệm thu khối lượng thanh toán nhằm thực hiện ngay việc giải ngân cho các dự án; tập trung chỉ đạo trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng- gỡ “nút thắt” trong giải ngân vốn đầu tư công hiện nay.

Cụ thể hơn, Bộ trưởng đề nghị cần quan tâm bố trí tái định cư, công tác tái định cư phải đi trước một bước, ổn định đời sống cho bà con, từ đó mới đẩy nhanh được tiến độ giải phóng mặt bằng.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ được thực hiện theo phương châm “nói là làm”, do đó, kiên quyết cắt giảm vốn các dự án không có khả năng giải ngân vốn, nhất là những dự án được bố trí vốn kế hoạch năm 2022 nhưng đến nay chưa giải ngân vốn để bố trí cho các dự án đã quyết toán, các dự án đã hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, các dự có tiến độ giải ngân tốt, đúng quy định pháp luật./.

Gỡ "nút thắt" đền bù giải phóng mặt bằng

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị nhà thầu cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đẩy nhanh đấu thầu, thi công công trình, nghiệm thu khối lượng thanh toán nhằm thực hiện ngay việc giải ngân cho các dự án; tập trung chỉ đạo trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng- gỡ “nút thắt” trong giải ngân vốn đầu tư công hiện nay.