Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương.

Chia sẻ thông tin là kinh nghiệm quan trọng để đấu tranh với tội phạm hiệu quả
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh.

Số vụ vi phạm tăng đột biến

Thay mặt Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an báo cáo kết quả của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ trong năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ trong năm 2024.

Theo đó, Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ tập trung nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tội phạm; đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm tập trung các biện pháp phòng, chống tội phạm; chủ động nhận diện, đấu tranh với các nhóm tội phạm chưa xuất hiện, ít xuất hiện, xuất hiện thường xuyên, có nguy cơ diễn biến phức tạp.

Qua đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng đã thu nộp ngân sách nhà nước 14.865,347 tỷ đồng. Khởi tố hình sự 616 vụ, 724 đối tượng.

Đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho thấy, trong năm 2023, các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 146.678 vụ vi phạm (tăng 4,95% so với cùng kỳ).

Trong đó, các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 11.499 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 5.464 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Chia sẻ thông tin là kinh nghiệm quan trọng để đấu tranh với tội phạm hiệu quả
Hội nghị được tổ chức từ điểm cầu Chính phủ trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố. Ảnh: Đức Minh.

Đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm

Dưới sự điều hành của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, đại diện các bộ, ngành như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, Nghệ An, Hải quan, Quản lý Thị trường, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng… đã tham luận, tập trung đánh giá kết quả, cũng như phương hướng nhiệm vụ trong năm 2024.

Tham gia ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ghi nhận những thành tích mà các lực lượng chức năng đạt được thời gian qua trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Vừa qua, các lực lượng đã phối hợp triển khai đấu tranh, khởi tố nhiều vụ việc quy mô lớn. Điển hình như một số vụ ma túy có lượng tang vật lên tới 2,8 tấn; bắt giữ vụ việc hạng tạ ngà voi. Nhiều thủ đoạn tinh vi, mới xuất hiện của tội phạm ma túy bị phát hiện như cất giấu trong lò vi sóng, trộn trong ngũ cốc, giấu trong máy làm kem, thớt gỗ… Nhiều hình thức thanh toán hàng hóa vi phạm tinh vi, phương thức giao nhận phức tạp cũng đã bị phát hiện.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc bày tỏ mong muốn các lực lượng phát huy tinh thần nỗ lực vượt qua khó khăn đề hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chia sẻ, cơ quan hải quan là thành viên của cả Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Qua công tác đấu tranh, cũng như phối hợp thời gian qua, ngành Hải quan đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm để có thể áp dụng trong năm tới.

Bài học quan trọng đầu tiên chính là hiệu quả của việc chia sẻ dữ liệu thông tin giữa lực lượng đấu tranh trực tiếp với các đơn vị phối hợp, từ cấp trung ương đến địa phương.

"Có những việc liên quan đến phòng, chống ma túy, cần thông tin từ sớm từ xa, hai đồng chí Bộ trưởng Công an và Tài chính trực tiếp thống nhất cơ chế chỉ đạo hai lực lượng công an, hải quan. Điều này đem lại hiệu quả rất lớn" - ông Cẩn nhấn mạnh.

Năm qua, trên các tuyến đường bộ, đường biển, hàng không bắt trên 200 vụ vi phạm, trong đó lực lượng hải quan chủ trì bắt giữ được hơn 100 vụ án.

Kết quả này cho thấy một kinh nghiệm trong chỉ đạo phối hợp với các đơn vị thực thi pháp luật, cấp trên chỉ đạo sát cấp dưới. Trong địa bàn hải quan, lực lượng hải quan phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, biên phòng... để thực hiện đấu tranh.

Ngoài ra, phối hợp tích cực giữa các tỉnh, các ngành trong quá trình bắt giữ cũng hết sức quan trọng. Vai trò chỉ đạo trong phối hợp bắt giữ này cần được tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Về mặt kiến nghị, ông Nguyễn Văn Cẩn cho rằng trước tiên ngay trong quý I/2024 cần "vướng ở đâu giải quyết đến đấy" các cơ chế chính sách.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho hay, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an vừa qua đã kết nối cơ bản thông tin về phòng chống tội phạm xử lý trong điều tra để chia sẻ.

Ngành Tài chính cũng đang chuyển đổi số mạnh mẽ, hướng tới kết nối các bộ ngành với nhau, kết nối với hải quan các nước, liên thông hệ thống quản lý hóa đơn giá trị gia tăng. Đồng nghĩa rằng, thay vì phải chờ đợi xác minh thông tin khi phát hiện vi phạm, các ngành, các đơn vị thực thi ở địa phương có thể kiểm tra ngay mọi lúc mọi nơi. Song, tất cả phải cùng phát huy và đẩy nhanh chuyển đổi số toàn diện và cũng chia sẻ kết nối với nhau.

Ở nội địa, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường chia sẻ về vấn nạn "hàng giả hàng nhái" trên môi trường mạng, đồng thời kiến nghị một số nội dung.

Theo đó, chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ là chống tội phạm công nghệ cao, bên cạnh phương pháp truyền thống cần áp dụng công nghệ, có những quy định định danh người bán, có thể theo dữ liệu dân cư...

"Vừa qua, giải pháp này đã được triển khai hiệu quả. Tới đây, đề nghị Bộ Công an, đặc biệt là cơ quan phòng chống tội phạm an ninh mạng cũng như cảnh sát kinh tế phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường và các lực lượng khác để nâng cao hiệu quả hơn nữa" - ông Linh nêu.

Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường giám sát các kho hàng, nhất là thời gian cao điểm Tết Nguyên đán để tăng cường kiểm tra trước, trong và sau Tết bởi việc xác minh việc bán hàng hóa online rất khó./.