Đảm bảo hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện nay, Việt Nam có hơn 190.000 doanh nghiệp (DN) có hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) được đánh giá trên hệ thống quản lý rủi ro. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có trên 10% DN tuân thủ pháp luật hải quan ở mức trung bình và mức độ cao, chiếm trên 83% kim ngạch và tờ khai XNK. Trong khi đó, tồn tại đến 89% DN đang ở mức độ tuân thủ thấp hoặc không tuân thủ, chiếm hơn 16% kim ngạch và tờ khai XNK.

Nắm bắt được điều đó cũng như với mong muốn đồng hành, giúp đỡ DN tự đánh giá được mức độ tuân thủ, từ đó có các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ DN tự nguyện tuân thủ, Tổng cục Hải quan đã triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Chương trình đã đặt ra mục tiêu sau 2 năm, 100% DN tham gia chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức tuân thủ cao và trung bình.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho rằng, nếu việc triển khai thí điểm được thực hiện hiệu quả thì các DN tham gia Chương trình sẽ là những “tuyên truyền viên” để phổ biến cho các DN khác trong cộng đồng, trong từng lĩnh vực ngành hàng, tiến tới tuân thủ, tự tuân thủ pháp luật hải quan.

Các đơn vị hải quan địa phương có nhóm hỗ trợ riêng dành cho doanh nghiệp tham gia Chương trình thí điểm tự nguyện tuân thủ pháp luật. Ảnh: VĂN TÁ
Các đơn vị hải quan địa phương có nhóm hỗ trợ riêng dành cho doanh nghiệp tham gia Chương trình thí điểm tự nguyện tuân thủ pháp luật. Ảnh: Văn Tá

Để lan tỏa Chương trình trong toàn ngành, một nhóm chuyên trách thực hiện Chương trình được thành lập gồm 123 thành viên là cán bộ, công chức có chuyên môn giỏi, nghiệp vụ chuyên sâu của các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan và 35 cục hải quan tỉnh, thành phố.

Nhóm này có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động hỗ trợ toàn ngành về tư vấn, hỗ trợ hướng dẫn theo các cam kết tại Biên bản ghi nhớ đối với DN thành viên Chương trình khi có yêu cầu. Đồng thời, ghi nhận tư cách thành viên, quá trình tham gia Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan trên hồ sơ DN và các hệ thống thông tin nghiệp vụ của cơ quan hải quan đối với DN tham gia Chương trình, để đảm bảo việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng…

Giúp doanh nghiệp nắm bắt, tuân thủ tốt hơn

Thời gian qua, hầu hết các cục hải quan địa phương đã chủ động tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến nội dung Chương trình đến với cộng đồng DN, đồng thời ký biên bản ghi nhớ, kế hoạch hành động.

Tổng cục Hải quan cũng đã phối hợp chặt chẽ với cục hải quan tỉnh, thành phố và các tổ chức, hiệp hội DN tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá chương trình ở 4 khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và Tây Nam bộ; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến, đăng tải hoạt động, kết quả của Chương trình.

Theo ghi nhận, các DN cũng rất tích cực và hào hứng với chương trình này. Bà Phạm Hương Giang - Trưởng phòng Logistics, Công ty TNHH Thương mại và vận tải Thái Tân cho hay, công ty là đơn vị chuyên XNK nguyên, phụ liệu trong sản xuất bia và nước giải khát tham gia thủ tục hải quan tại Cục Hải quan Hải Phòng. Là DN quy mô lớn với lượng tờ khai XNK khoảng 1.000 bộ/năm, số lượng mặt hàng lớn liên quan đến nhiều mã số (HS), chính sách quản lý khác nhau… nên việc DN tự tìm hiểu là hết sức khó khăn. Cam kết bố trí một đội ngũ chuyên trách làm đầu mối hướng dẫn, tư vấn của cơ quan hải quan trong chương trình này sẽ là một hỗ trợ rất lớn cho DN tham gia.

Hải quan - Doanh nghiệp phối hợp để cải thiện, nâng cao mức độ tuân thủ

Theo Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh Trần Đức Hùng, việc tham gia Chương trình trước hết đem lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do vậy, các doanh nghiệp vừa có lợi ích vừa có nghĩa vụ chấp hành đúng pháp luật bằng việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan để đánh giá lại thực trạng, chỉ rõ các yếu tố, nguyên nhân ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ, từ đó có kế hoạch cụ thể để từng bước cải thiện, nâng mức tuân thủ.

Đồng quan điểm, bà Lý Vân Phương - đại diện Công ty TNHH Flat Việt Nam cho biết, công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tấm kính dùng cho tấm module năng lượng mặt trời, với khoảng 200 tờ khai XNK/tháng. Đã có 6 năm hoạt động ở Việt Nam, dù rất nỗ lực, cố gắng nhưng DN vẫn không tránh khỏi thiếu sót trong nắm bắt quy định của pháp luật. Vì vậy, thông qua chương trình, công ty rất kỳ vọng vào các hoạt động tư vấn, trả lời vướng mắc, cung cấp thông tin, cảnh báo rủi ro… trong hoạt động XNK, qua đó giúp DN nắm bắt, tuân thủ tốt pháp luật, không để xảy ra vi phạm.

Ông Phillip Wray - Tổng giám đốc DKHS Việt Nam, bày tỏ mong muốn được hợp tác và đồng hành cùng cơ quan hải quan trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khi nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19. DKSH mong muốn những ý tưởng thí điểm này sẽ được lan tỏa trong cộng đồng DN, nhằm rút ngắn thời gian dịch vụ công, giảm gánh nặng thủ tục hành chính cho cả DN và cơ quan hải quan.

Tới đây, để nâng cao hiệu quả của chương trình, Tổng cục Hải quan sẽ bám sát các kế hoạch triển khai, báo cáo lãnh đạo Tổng cục Hải quan tổ chức tuyên dương, khen thưởng các DN tuân thủ tốt, có đóng góp tích cực, đồng thời cảnh báo, nhắc nhở, thu hồi tư cách thành viên đối với DN không thực hiện hoặc vi phạm cam kết.