Góp phần đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế

Trong 9 tháng qua, dù còn nhiều khó khăn, nhưng Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) theo đúng mục tiêu đề ra. Thu ngân sách cơ bản đáp ứng mục tiêu dự toán, nhờ đó đảm bảo nguồn chi cho các nhiệm vụ trong dự toán, chi cho an sinh xã hội và chi phòng, chống dịch Covid-19.

Đáng chú ý, chính sách tài khóa thời gian qua với việc miễn, giảm, giãn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân được đánh giá là một trong những chính sách hiệu quả nhất, giúp doanh nghiệp, người dân vượt “bão” Covid-19.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Đánh giá về nỗ lực này của Chính phủ, Bộ Tài chính, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang) - Ủy viên Thường trực của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, chính sách tài khóa kết hợp với chính sách tiền tệ đã được Chính phủ điều hành với sự tham gia vào cuộc rất tích cực, kịp thời của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả nổi bật.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, năm 2021 trong bối cảnh điều kiện kinh tế - xã hội dưới tác động của dịch bệnh càng về cuối năm càng khó khăn, thách thức, song dự báo cũng cho thấy có những dấu hiệu khởi sắc của kinh tế - xã hội trong quý IV/2021. “Một trong những yếu tố tác động rất quan trọng đó là chính sách tài khóa kết hợp với chính sách tiền tệ đã được Chính phủ điều hành có sự tham gia vào cuộc rất tích cực của Quốc hội, là điều kiện cho chính sách tài khóa ban hành kịp thời, linh hoạt, nhạy bén, đáp ứng yêu cầu thực tế và xử lý các tình huống đột xuất, khó khăn, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội ở các lĩnh vực” - đại biểu Trần Văn Lâm nói.

Về chi ngân sách trong năm, theo vị Ủy viên Thường trực của Ủy ban Tài chính Ngân sách, dù dự toán được thiết kế một cách chặt chẽ, tiết kiệm, trong bối cảnh đặt ra những thách thức, Chính phủ đã tích cực đề xuất các biện pháp tiết kiệm, tiếp tục tiết giảm chi thường xuyên, huy động các nguồn dành cho các nhiệm vụ đột xuất trong phòng, chống dịch. Cùng với đó, việc ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, an sinh xã hội hiệu quả, khá kịp thời. Các yếu tố khác trong chính sách tài khóa như về giá cả, thị trường, về tài chính, bảo hiểm cũng khá ổn định. Với những đóng góp tích cực trong điều hành chính sách tài khóa đã góp phần vào kết quả tăng trưởng kinh tế, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.

Chính sách tài khóa giúp sức phục hồi sản xuất kinh doanh

Nhờ các kết quả nêu trên, hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các chính sách an sinh xã hội, được quan tâm thực hiện tốt. Việt Nam là quốc gia duy nhất trong các nước được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia giữ nguyên hệ số tín nhiệm và nâng triển vọng lên mức tích cực.

Sát sao trong điều hành để đảm bảo nguồn thu, đáp ứng nhu cầu chi

“Trong điều kiện khó khăn, tăng trưởng kinh tế năm nay tiếp tục sụt giảm nhưng về tổng thể tình hình tài chính vẫn đảm bảo các cân đối lớn, đáp ứng các nhu cầu thu chi phục vụ các nhiệm vụ. Đáng chú ý, kế hoạch thu vượt mục tiêu đề ra dù đang thực hiện các chính sách miễn, giảm, hoãn các khoản thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Điều này cho thấy, trong điều hành có sự tính toán cân đối, căn ke, sát sao và tương đối hiệu quả để đảm bảo nguồn thu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ vừa đáp ứng yêu cầu hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong hoàn cảnh nhất định”. - Ông Trần Văn Lâm - Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.

Bên cạnh những thuận lợi, triển vọng tăng trưởng kinh tế nước ta dự báo trong những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức. Do đó, từ nay đến cuối năm Bộ Tài chính tập trung thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép”. Đồng thời linh hoạt, sáng tạo trong lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Từ đó, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và các cân đối lớn về tài chính – NSNN.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, đặc biệt là về tài chính, ngân sách, tài sản công, thuế, quản lý giá... Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho phát triển; hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.

Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thu NSNN, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong công tác quản lý thuế, hải quan, Kho bạc Nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng. Ngành Tài chính cũng chủ động cân đối, đảm bảo đầy đủ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các nhiệm vụ cấp bách khác; tăng cường quản lý công tác dự trữ nhà nước nhằm đảm bảo nhu cầu hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, chính sách tài khóa trong năm nay về cơ bản đảm bảo cân đối thu chi, giữ vững được ổn định vĩ mô và bội chi dự báo vẫn đảm bảo trong kế hoạch là dưới 4%.

Kiên định giữ vững các cân đối lớn về tài chính – ngân sách

Tại Nghị quyết số 127/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021 trực tuyến toàn quốc với địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, đảm bảo cân đối thu chi NSNN. Cùng với đó, quyết liệt thực hiện tiết kiệm, cắt giảm tối đa chi thường xuyên và chi đầu tư không hiệu quả; chủ động phương án huy động nguồn lực để đáp ứng kịp thời nhu cầu chi phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân, nền kinh tế, khắc phục hậu quả, cứu trợ thiên tai, bão lũ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã khẳng định: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn về tài chính – NSNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt của ngành Tài chính trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp, với sự đoàn kết, đồng lòng và những nỗ lực cao nhất, ngành Tài chính đã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã bám sát chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đánh giá tình hình thực tiễn và nghiên cứu kinh nghiệm tại nhiều quốc gia trên thế giới, chủ động rà soát hệ thống pháp luật và đề xuất triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về tài chính - NSNN để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Nhờ chủ động trong điều hành, thu chi NSNN đã đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn. Cân đối ngân sách cho đến thời điểm này cơ bản được đảm bảo. Từ nay đến cuối năm, ngành Tài chính cố gắng hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu NSNN và các nhiệm vụ chi được thực hiện triệt để tiết kiệm, đảm bảo cân đối NSNN và tỷ lệ bội chi NSNN trong phạm vi dự toán được Quốc hội giao.