Sáng 6/6, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) Đào Ngọc Dung về thị trường lao động, chính sách hỗ trợ người lao động, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH)…
Đề xuất đưa chủ hộ kinh doanh vào đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về tình trạng thu sai BHXH đối với chủ hộ kinh doanh cá thể. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này và hướng giải quyết trong thời gian tới.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thời gian qua, cơ quan BHXH thu BHXH với một số các chủ hộ kinh doanh cá thể. Đây không phải là đối tượng được quy định đóng bảo hiểm bắt buộc. Việc đã diễn ra từ năm 2003 đến năm 2016, sau đó Bộ đã có chấn chỉnh và về cơ bản, vấn đề này đã được giải quyết.
Theo Bộ trưởng, đây là nội dung chưa được quy định trong Luật BHXH, do đó cần đánh giá rất cụ thể. Tuy nhiên, về quan điểm cá nhân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần đặt lợi ích của người lao động, của chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu.
Về hướng giải quyết, Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH cho biết đang đề xuất chuyển toàn bộ số hộ kinh doanh này sang nhóm đối tượng bảo hiểm bắt buộc để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Với trường hợp không có nhu cầu có thể chuyển sang bảo hiểm tự nguyện. Trường hợp cả người lao động lẫn tổ chức đều không đồng ý thì cần thoái thu, tính lãi bằng tăng trưởng của Quỹ BHXH.
Tham gia giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện Nghị quyết 01 năm 2003, với chủ trương mở rộng bao phủ BHXH, cơ quan BHXH Việt Nam đã có phướng dẫn một số tỉnh về việc đóng BHXH. Theo đó có 54 tỉnh đã thực hiện thu BHXH của 4.240 đối tượng, trong giai đoạn từ 2003 đến 2016. Từ năm 2016 đến năm 2020, có khoảng 1.332 đối tượng vẫn tiếp tục nộp trong giai đoạn này.
Theo Bộ trưởng, việc đóng BHXH của đối tượng là chủ hộ kinh doanh không sai về bản chất, đạo lý, nhưng vướng về quy định của pháp luật. Theo quy định của BHXH thì để đóng BHXH phải có hợp đồng giao kết, nhưng các chủ hộ kinh doanh chỉ có giao kết với nhân viên, còn với chính các chủ hộ thì không có hợp đồng giao kết, do đó không được nộp BHXH. Về bản chất họ cũng là người lao động, có thu nhập, nên tham gia BHXH về bản chất là chấp nhận được, nhưng do pháp luật chưa quy định nên sai đối tượng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải thích.
Để xử lý vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết đã trao đổi với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để tới đây đề xuất sửa Luật BHXH theo hướng cho chủ hộ kinh doanh được tham gia BHXH bắt buộc.
Tỷ lệ thất nghiệp 2,25% của Việt Nam là thấp
Liên quan đến thị trường lao động, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) cho biết, năm 2023 kinh tế nước ta đứng trước nhiều thử thách, thị trường lao động, việc làm đối mặt với nhiều rủi ro, tình trạng mất việc làm diễn ra trên quy mô toàn cầu. Trong khi đó, báo cáo của Bộ LĐ, TB&XH cho thấy, tình trạng lao động mất việc làm ở nước ta thấp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình rõ về những đánh giá và số liệu của báo cáo đã sát với thực tiễn hay chưa? Đồng thời đề nghị Bộ trưởng đưa ra những dự báo và giải pháp cho thị trường lao động nước ta trong thời gian tới?
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung |
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay tỷ lệ thất nghiệp 2,25% của Việt Nam là thấp nhưng đó là đánh giá hoàn toàn khách quan và khoa học, dựa trên những tiêu chí cụ thể mà quốc tế đưa ra.
Bên cạnh các tiêu chí theo chuẩn quốc tế, Tổng cục Thống kê còn mở rộng thêm một số tiêu chí như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khuyến cáo mà hiện nay chúng ta là 1 trong 50 quốc gia tiên phong áp dụng những tiêu chí mở rộng. Theo đó, những công việc được trả công hoặc phát sinh thu nhập mới được coi là việc làm. Theo tiêu chí này thì tỷ lệ thất nghiệp còn tăng lên. Mặt khác, Bộ LĐ, TB&XH cũng có đánh giá độc lập và kết quả cơ bản tương đồng với đánh giá của Tổng cục Thống kê.
Về dự báo tình hình thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng có thể tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ khó khăn hơn, đặc biệt là với những lĩnh vực thâm dụng lao động, như giày da, dệt may, túi xách xuất khẩu… Khi đó, tỷ lệ thất nghiệp có thể gia tăng nhưng không nhiều.
Theo Bộ trưởng, điều đáng lo nhất là sau một thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tích lũy của người lao động đã bị bào mòn, do đó sẽ ngày càng khó khăn hơn. Mặc dù vậy, lãnh đạo Bộ LĐ, TB&XH cũng cho rằng không nên quá bi quan về tình hình này. “Với quy mô 51,2 triệu lao động ở thời điểm này, tỷ lệ thất nghiệp chính thức là 297.000, giãn việc, mất việc là trên 506.000. Đây là tỷ lệ ở trong khoảng hoàn toàn chúng ta kiểm soát được” - Bộ trưởng nói và nhấn mạnh sẽ có nhiều giải pháp để giữ chân người lao động, ổn định đời sống người dân.
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên chất vấn sáng 6/6. |
Cũng trong phiên chất vấn, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho biết, có ý kiến đánh giá khó khăn của doanh nghiệp và người lao động hiện đang gặp phải còn khó khăn hơn cả giai đoạn dịch Covid-19. Trong giai đoạn Covid -19, chúng ta đã phát huy rất tốt các gói hỗ trợ trực tiếp cho người dân và người lao động. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về việc có cần gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động như đã hỗ trợ trong giai đoạn Covid-19 hay không?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời cho hay sẽ tiếp tục đánh giá thật kỹ và dự báo thật sát tình hình từ nay đến Tết Âm lịch, đến sau Tết Âm lịch và cả năm 2024 thế nào để có những chính sách vừa dài hạn, kết hợp với những chính sách ngắn hạn. Không nêu rõ các chính sách cụ thể song Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH khẳng định đang tập trung vào đánh giá tác động và đã có dự kiến một số chính sách, chờ cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Đề xuất chính sách mới hỗ trợ người lao độngVề chính sách hỗ trợ cho người lao động, Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo tại hội trường cho hay năm 2021, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã chi 47.356 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid. Đến năm 2023, dư quỹ còn lại 59.357 tỷ đồng. Hiện Bộ Tài chính đang thiết kế gói chính sách hỗ trợ người lao động để trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, dự kiến chi khoảng 20.000 tỷ đồng từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn khó khăn. |