Cục Thuế Quảng Ninh tăng cường quản lý thuế chuyển nhượng bất động sản Cục Thuế TP. Hà Nội: Sẽ thành lập ban chỉ đạo quản lý thuế chuyển nhượng bất động sản Chi Cục thuế TP. Thủ Đức: Chuyển biến khả quan trong thu thuế giao dịch bất động sản Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo tăng cường biện pháp chống thất thu thuế hoạt động chuyển nhượng bất động sản

PV: Chống thất thu thuế hoạt động chuyển nhượng bất động sản là vấn đề đang được dư luận rất quan tâm. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo Tổng cục Thuế trong công tác chống thất thu. Ông đánh giá như thế nào về sự vào cuộc của người đứng đầu ngành Tài chính trong việc chống thất thu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản thời gian qua?

TS. Phan Phương Nam: Theo quan điểm cá nhân tôi, sự vào cuộc của người đứng đầu ngành Tài chính trong việc chống thất thu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản thời gian qua là rất kịp thời và hợp lý vì nhiều lý do:

Một là, việc thất thu trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản là có thực. Đôi chỗ, người ta còn xem việc mua bán mà ghi đúng giá là một điều lạ, còn việc ghi thấp hơn giá trị giao dịch thật là chuyện bình thường. Rõ ràng, điều này là không tốt cho công tác quản lý thuế nói chung và hoạt động thu thuế nói riêng.

Hai là, đã đến lúc cần đảm bảo cao hơn nữa sự công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Theo đó, trong các nguồn thu khác như thu từ tiền công, tiền lương, thu từ tiền thưởng, khuyến mãi với cơ chế khấu trừ tại nguồn đã và đang thiết lập một cách thức thu chính xác, thì trong thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản lại chưa được quản lý chặt chẽ, làm cho nhiều người có thu nhập cao từ đây, nhưng vẫn chưa đóng thuế tương xứng với phần thu nhập của họ cho Nhà nước theo quy định. Điều này là chưa công bằng.

Dư luận đánh giá cao sự vào cuộc của Bộ Tài chính
Trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có nhiều chỉ đạo về công tác chống thất thu đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Ảnh minh họa

Ba là, sự chỉ đạo sâu sát của người đứng đầu ngành Tài chính sẽ giúp cho các cơ quan thực thi có thêm động lực, vì họ thấy rằng việc làm này đã và đang được các cấp quan tâm và hỗ trợ để việc thu thuế đúng quy định và có hiệu quả. Bởi lẽ, khi đó toàn ngành sẽ thực hiện đồng thời với các quy trình áp dụng chung, tránh trường hợp địa phương này làm chặt, nhưng địa phương khác làm chưa hiệu quả, dẫn đến ý kiến trái chiều là công chức thuế gây khó cho dân.

PV: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, các cục thuế đã vào cuộc rất quyết liệt để quản lý thu, chống thất thu ngân sách. Tuy nhiên, để chống thất thu có hiệu quả, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương - ông có nghĩ như vậy không?

TS. Phan Phương Nam: Việc vào cuộc của chính quyền địa phương là một nhân tố đóng vai trò rất quan trọng trong công cuộc chống thất thu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Bởi lẽ, để đánh thuế chuyển nhượng bất động sản có hiệu quả, thì một trong các yếu tố để tính chính xác tiền thuế này theo quy định hiện hành là xác định đúng giá chuyển nhượng. Do đó, vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ xác định mức giá chính xác tại nơi có hoạt động chuyển nhượng bất động sản sẽ hỗ trợ rất lớn cho quá trình thu thuế.

Do đó, theo quan điểm cá nhân tôi, các cục thuế, chi cục thuế cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn quản lý về đất đai trên địa bàn để cập nhật, thu thập số liệu, thông tin chuyển nhượng để có cơ sở đối chiếu, so sánh mức giá và bước đầu xác định có hay không có việc ghi mức giá trên hợp đồng chuyển nhượng khác với giao dịch thực tế của địa phương. Việc làm này mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Dư luận đánh giá cao sự vào cuộc của Bộ Tài chính
TS. Phan Phương Nam

Đối với cơ quan quản lý thuế, thông qua hoạt động trao đổi thông tin này sẽ là cơ sở để cơ quan quản lý thuế xác định tính hợp lý hay chưa hợp lý của mức giá chuyển nhượng ghi trong hợp đồng làm cơ sở cho hoạt động quản lý thuế của mình, qua đó góp phần chống thất thu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Đối với các cơ quan quản lý về đất đai và chính quyền địa phương, việc chia sẻ thông tin có thể giúp nắm được thêm thông tin về giá đất trên địa bàn để thực hiện các hoạt động đền bù khi giải phóng mặt bằng…

PV: Để chống thất thu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, theo ông, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là gì?

TS. Phan Phương Nam: Theo quan điểm của cá nhân tôi, có 2 giải pháp ngắn hạn và dài hạn cần phải triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Đối với giải pháp ngắn hạn, cần mạnh tay xử lý nghiêm minh các trường hợp khai sai giá. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì xử lý hình sự. Bởi lẽ, các chế tài đã được pháp luật thiết lập đầy đủ, nhưng trên thực tế các cơ quan áp dụng vẫn chưa mạnh tay.

Có thể công khai một số giao dịch về mức giá khu vực đó, để người dân nắm được và quyết định khi mua, bán, tránh bán giá hớ và mua giá cao, cũng như làm cơ sở để nói rằng giá giao dịch ghi trong hợp đồng là chưa hợp lý.

"Sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo sẽ tạo nên hiệu quả lan tỏa đến mọi công chức thuế, để họ hiểu rằng, việc họ làm luôn có sự đồng hành của cấp lãnh đạo, ngay cả cấp cao nhất trong lĩnh vực Tài chính là Bộ trưởng Bộ Tài chính" - TS. Phan Phương Nam nói.

Bên cạnh đó, việc yêu cầu phải thanh toán qua ngân hàng cũng là một giải pháp nên áp dụng. Theo đó sẽ kiểm soát được dòng tiền, khoản thu nhập để đánh thuế chính xác và tránh thất thu.

Về lâu dài, nên chăng cần khôi phục lại cách tính thuế chuyển quyền sử dụng bất động sản như trước đây là đánh đúng vào thu nhập từ hoạt động này (nghĩa là lấy giá bán trừ giá mua và lấy thu nhập này nhân cho thuế suất quy định). Theo cách tính này, sẽ làm cho các bên mua, bán bảo vệ mình và có thể tự kiểm soát lẫn nhau, giảm bớt tình trạng ghi giá mua, giá bán khác với giá thực tế giao dịch. Việc làm này không chỉ giúp chống thất thu thuế, mà còn giúp cho công tác quản lý nhà nước về đất đai có thêm số liệu chính xác.

PV: Xin cảm ơn ông!