Hà Nội phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt mức cao nhất |
Công văn nêu rõ, áp lực về khối lượng công việc và số vốn phải giải ngân trong những tháng cuối năm là rất lớn. Vì vậy, TP. Hà Nội yêu cầu yêu cầu các đơn vị đã giải ngân tốt tiếp tục duy trì, phát huy và nâng cao hiệu quả thực hiện.
Các đơn vị giải ngân chậm khẩn trương rà soát, khắc phục ngay các tồn tại, khó khăn, vướng mắc, thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Thành phố cũng chú trọng vào các dự án có nguy cơ không giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao, các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, các dự án lớn, cũng như các dự án thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong năm 2024, UBND thành phố đã ban hành 02 kế hoạch (Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 31/01/2024; Kế hoạch số 143/KH-UBND ngày 07/5/2024) và nhiều văn bản thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Lũy kế giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 của toàn thành phố đến ngày 15/11/2024 là 37.066 tỷ đồng, đạt 48,1% kế hoạch. |
Công văn cũng đề cập đến yêu cầu các dự án phải xây dựng kế hoạch triển khai và giải ngân chi tiết theo từng tuần, từng tháng để kịp thời đôn đốc các nhà thầu và đơn vị liên quan.
Thành phố sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phê duyệt thiết kế thi công, tổ chức đấu thầu, khởi công để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các dự án.
Đối với các dự án sử dụng vốn ODA, thành phố yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với các sở, ngành để khẩn trương rà soát tình hình thực hiện và khó khăn vướng mắc, đồng thời báo cáo, tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố phương án giải quyết.
Các sở chuyên ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho các dự án đối với những nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách. Đặc biệt, đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt dự án của các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Hà Nội quyết liệt đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024. Ảnh: TL |
UBND các quận, huyện, thị xã quyết liệt chỉ đạo trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, kịp thời báo cáo UBND thành phố (qua các Sở Tài nguyên và Môi trường) đối với các nội dung phức tạp, vượt thẩm quyền để được hướng dẫn và giải quyết;
Tập trung nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tạo nguồn lực cho kế hoạch đầu tư công, đặc biệt là các đơn vị dự kiến hụt thu nhiều tiền sử dụng đất như: Đan Phượng; Hoài Đức; Thanh Trì; Thanh Oai; Cầu Giấy; Sóc Sơn; Ba Vì; Sơn Tây.
Một số địa bàn có nguồn thu tốt, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn. Thường xuyên, kịp thời báo cáo UBND thành phố về tình hình nguồn thu từ đất qua Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.