Bộ trưởng Bộ Công thương: Sẽ đề xuất nâng dự trữ xăng dầu quốc gia Khẩn trương triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử Thương mại điện tử xuyên biên giới - Việt Nam không thể "đứng ngoài cuộc"

Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết tại phiên chất vấn sáng 16/3.

Buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng gia tăng

Trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với lĩnh vực công thương, một vấn đề các đại biểu quan tâm là giải pháp phòng chống buôn lậu gian lận thương mại, nhất là kiểm soát buôn lậu, gian lận, tăng cường quản lý về thương mại điện tử.

Trả lời nội dung chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay tình trạng buôn lậu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phổ biến và ngày càng gia tăng, chủ yếu do lợi nhuận mang lại rất lớn.

Bên cạnh đó, do nhu cầu sử dụng hàng hóa của người dân ngày càng cao, nhưng nền sản xuất của nước ta còn mất cân đối, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu, tâm lý sính hàng hóa ngoại… Do đó, hàng hóa do nước ngoài sản xuất có xu hướng cạnh tranh và tìm cách xâm nhập vào thị trường nước ta bằng con đường buôn lậu.

Trong khi đó, công tác xử lý chưa triệt để, hiệu quả do phương thức hoạt động, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng rất tinh vi. Có thể nói, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong bộ với các cơ quan chức năng khác chưa thực sự tốt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận.

Thời gian qua, theo Bộ trưởng, Bộ Công thương đã chỉ đạo các lực lượng tiến hành thanh tra toàn diện, chuyên đề, mở các đợt tấn công triệt phá các đường dây, ổ nhóm vi phạm, kết quả, thu giữ, xử lý được khá lớn. Bộ cũng chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình kiểm tra, giám sát, thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó siết chặt kỷ cương, kỷ luật đối với cán bộ, nhất là đối với những cán bộ thị trường hoạt động trực tiếp tại các địa bàn.

Kết quả sau 3 năm hoạt động theo mô hình Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng đã triệt phá được nhiều vụ việc lớn. Thời gian tới, Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục khẩn trương, nghiêm túc chấp hành các chỉ đạo của Chính phủ và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, nhất là phát huy vai trò là lực lượng chủ công trong Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các tỉnh thành phố, phối hợp với lực lượng công an, biên phòng…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, sẽ xây dựng, triển khai đồng bộ các phương án, chuyên đề tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đặc biệt, sẽ triển khai phối hợp với biên phòng, hải quan tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động buôn lậu. “Quan điểm của bộ là kiên quyết xử lý đối với những cá nhân vi phạm, tăng cường kỷ luật kỷ cương công vụ bằng việc thanh tra kiểm tra công vụ thường xuyên, gắn trách nhiệm cho người đứng đầu. Nếu người đứng đầu vi phạm sẽ bị xử lý, đầu tiên là tạm đình chỉ, hoặc luân chuyển công tác” - Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế

Liên quan đến việc quản lý thuế đối với hàng hóa, thương mại điện tử, tham gia trả lời tại phiên chất vấn theo yêu cầu của chủ tọa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về phía Bộ Tài chính đã chỉ đạo chủ động tăng cường quản lý với dòng thuế này. Thời gian qua ngành Thuế đã thu được gần 5.000 tỷ đồng từ hoạt động thương mại xuyên biên giới. Chẳng hạn công ty Facebook đã nộp thuế khoảng 1.694 tỷ đồng, Google nộp 1.618 tỷ đồng, Microsoft đã nộp 576 tỷ đồng... Riêng thu từ hoạt động thương mại xuyên biên giới năm 2021 cũng lên đến 1.317 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bên cạnh đó, trong xu hướng chuyển đổi số ngành Thuế, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế chủ động xây dựng cổng thông tin điện tử về kê khai thuế xuyên biên giới và kê khai thuế trên môi trường mạng, dự kiến sẽ khai trương ngày 21/3. Tại đây, các doanh nghiệp nước ngoài khi bán hàng qua biên giới sẽ kê khai và nộp thuế, với những hướng dẫn cụ thể về nộp thuế trên môi trường mạng, kinh doanh thương mại điện tử hay sàn giao dịch online.... Cơ quan thuế cũng đang nghiên cứu phát triển ứng dụng để tự động tính thuế và nộp thuế online.

Với thị trường trong nước, Bộ Tài chính đã kết nối cơ sở dữ liệu của thuế với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia của Bộ Công an để lấy mã định danh cư dân trở thành mã định thuế. Khi đó, việc mua bán trên mạng online được xác lập hết sức nhanh gọn, chính xác, loại bỏ mã số thuế ảo, tài khoản ảo...

Nhấn mạnh vấn đề đang được tập trung sắp tới là chuyển đổi số với ngành Thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đang chỉ đạo xây dựng trung tâm dữ liệu điện tử về thuế, áp dụng AI trong phân tích dữ liệu để phát hiện rủi ro trọng yếu trong thu thuế. Cũng từ 21/3, cơ quan thuế sẽ triển khai cho phép hộ kinh doanh nộp thuế qua ứng dụng trên điện thoại di động. Hiện ứng dụng này đã kết nối với Kho bạc Nhà nước và 54 ngân hàng.

Về hóa đơn điện tử, đến nay cơ quan thuế đã phát hành 4 tỷ hóa đơn điện tử, dự kiến từ nay đến 1/7 sẽ phát hành xong hơn 3 tỷ hóa đơn nữa. Như vậy, 63 tỉnh thành sẽ thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử từ 1/7/2022, giúp cho cơ sở thuế và quản lý thuế được chặt chẽ, hiệu quả hơn./.