![]() |
Thuế khoán hiện không còn phù hợp với sự phát triển hiện tại. Ảnh minh họa |
PV: Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết là xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh, chậm nhất trong năm 2026. Ông đánh giá ra sao về chủ trương này?
![]() |
PGS.TS Lê Xuân Trường: Nghị quyết 68-NQ/TW thực sự là một luồng gió mới, mở ra những cơ hội to lớn, mang tính đột phá cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh, trong đó, chủ trương xóa bỏ thuế khoán là chủ trương rất đúng đắn.
Như chúng ta đã biết, thuế khoán đối với hộ kinh doanh được thực hiện trong điều kiện nền kinh tế ở trình độ phát triển thấp, khoa học và công nghệ chưa hiện đại áp dụng đối với những hộ kinh doanh nhỏ, khả năng áp dụng công nghệ thấp, không có điều kiện sử dụng sổ sách kế toán để ghi nhận doanh thu thực tế nên cần ước tính doanh thu để tính thuế.
Tăng sự minh bạch và công bằng trong công tác quản lý thuế“Việc xóa bỏ hình thức thuế khoán chuyển sang kê khai thực tế là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao sự minh bạch và công bằng trong công tác quản lý thuế và đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật giữa các đối tượng kinh doanh, dù là cá nhân hay doanh nghiệp” - PGS. TS Lê Xuân Trường. |
Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển của nền kinh tế số hiện nay khi mà việc sử dụng các phương tiện điện tử đã trở nên rất phổ biến với chi phí rẻ và dễ sử dụng thì việc tiếp tục duy trì thuế khoán đối với hộ kinh doanh không còn phù hợp. Thực tế hiện nay, đối với những hộ kinh doanh rất nhỏ không thể áp dụng phương tiện hiện đại trong bán hàng (chẳng hạn như thiết bị di động) thì cũng thuộc nhóm được miễn thuế.
Bản chất của thuế khoán là xác định nghĩa vụ thuế dựa trên doanh thu ấn định ước tính. Đương nhiên, như vậy, nghĩa vụ thuế không sát với thực tế của hộ kinh doanh, có thể cao hơn hoặc thấp hơn doanh thu thực tế. Vô hình trung, điều này có thể dẫn đến thất thu thuế và giảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế.
PV: Trước thông tin xóa bỏ hình thức thuế khoán, nhiều hộ kinh doanh tỏ ra băn khoăn nếu phải chuyển sang kê khai thuế vì chưa quen kê khai chứng từ, hóa đơn và lo sẽ tăng chi phí. Theo ông, để thực hiện được chủ trương này cần có quy định, hướng dẫn ra sao để hộ kinh doanh tuân thủ pháp luật cũng như yên tâm kinh doanh?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Cần tiếp tục hoàn thiện và hướng dẫn kỹ lưỡng về chế độ kế toán đơn giản đối với hộ kinh doanh, đặc biệt là cần thực sự chuyển đổi số ngay ở lĩnh vực này. Nếu vẫn thực hiện kế toán thủ công hoặc ghi chép giao dịch kinh doanh thủ công thì bỏ thuế khoán sẽ là một vấn đề nan giải.
Với sự phát triển rộng rãi của hóa đơn điện tử, cơ quan thuế cần phát triển các ứng dụng sử dụng thiết bị di động kết nối hóa đơn điện tử, phần mềm quản lý kinh doanh, phần mềm bán hàng và hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt của ngân hàng thương mại với hệ thống tính thuế tự động theo doanh thu thực tế.
Tất nhiên, điều này cần có thời gian chuẩn bị về công nghệ, kết cấu hạ tầng và cần cả sự hỗ trợ của Nhà nước đối với những hộ kinh doanh khó khăn trong trang bị thiết bị hiện đại và khả năng hiểu biết để sử dụng thiết bị. Đó là lý do Nghị quyết 68-NQ/TW đặt lộ trình hoàn thành nhiệm vụ này vào năm 2026 chứ không phải ngay trong năm 2025. Trong giai đoạn chuyển tiếp vẫn có thể áp dụng chế độ kế toán thủ công nhưng cần sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước để kết thúc quá trình chuyển tiếp này.
PV: Theo ông, việc xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh giúp công tác quản lý thuế hiệu quả ra sao?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Trên phương diện quản lý, bỏ thuế khoán đảm bảo thu thuế đúng thực tế kinh doanh của hộ kinh doanh. Bỏ thuế khoán cũng xóa bỏ điều kiện tiềm năng dẫn đến thất thu thuế do doanh thu khoán quá thấp so với doanh thu thực tế kinh doanh vì nhiều lý do khác nhau, cả về điều kiện kỹ thuật và yếu tố chủ quan của con người.
Bỏ thuế khoán cũng có nghĩa là không cần phải thực hiện các quy trình rườm rà, phức tạp qua nhiều khâu liên quan đến nhiều đối tượng để xác định doanh thu khoán nên góp phần làm giảm chi phí quản lý thuế.
PV: Ông có lời khuyên gì đối với hộ kinh doanh còn e ngại với thông tin xóa bỏ thuế khoán sẽ làm tăng chi phí hay phải thuê kế toán khi chuyển sang phương pháp kê khai nộp thuế khi xóa bỏ hình thức thuế khoán?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Bỏ thuế khoán sẽ không làm tăng chi phí do phải thuê nhân viên kế toán hay dịch vụ kế toán, bởi lẽ, với chế độ kế toán đơn giản và ứng dụng thiết bị di động và các thiết bị điện tử khác vào quản lý hoạt động của hộ kinh doanh gắn với hệ thống tính thuế tự động thì không những đảm bảo xác định nghĩa vụ thuế đúng với doanh thu thực tế của hộ kinh doanh mà còn giúp hộ kinh doanh quản lý hoạt động kinh doanh của mình tốt hơn.
Với những hộ kinh doanh có quy mô lớn thì dù nộp thuế khoán vẫn phải thực hiện kế toán nội bộ. Với việc bỏ thuế khoán thì chỉ cần kết hợp kế toán nội bộ với hệ thống tính thuế. Như vậy, không những không tăng chi phí, mà còn giảm chi phí tuân thủ.
Tôi tin rằng, Nhà nước sẽ hỗ trợ mọi mặt để hộ kinh doanh có thể nộp thuế theo kê khai một cách đơn giản nhất. Thêm vào đó, với những hộ kinh doanh lớn nên chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp để được hưởng các ưu đãi của nhà nước đối với doanh nghiệp và vẫn có thể thực hiện lựa chọn nộp thuế theo phương pháp đơn giản, tức là tính thuế theo tỷ lệ % của doanh thu thực tế theo kê khai.
PV: Xin cảm ơn ông!
Đẩy mạnh số hóa, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệpĐể hiện thực hóa chủ trương được nêu tại Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục triển khai quyết liệt Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống ngân hàng, thuế và các cơ quan có liên quan, đảm bảo liên thông, chia sẻ dữ liệu về tình hình hoạt động và tài chính của doanh nghiệp. Đánh giá tình hình mức độ tín nhiệm và chấm điểm tín dụng của doanh nghiệp từ phía các tổ chức tín dụng, các quỹ tài chính và các tổ chức xếp hạng tín dụng thứ ba để tăng cường cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh. Rà soát, hoàn thiện chính sách thuế, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư góp vốn của các quỹ đầu tư vào doanh nghiệp… Rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về kinh doanh cá thể; thu hẹp tối đa sự chênh lệch, tạo mọi điều kiện thuận lợi về tổ chức quản trị và chế độ tài chính, kế toán để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Đẩy mạnh số hóa, minh bạch hóa, đơn giản hóa, dễ tuân thủ, dễ thực hiện đối với chế độ kế toán, thuế, bảo hiểm…, để khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026. Thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, thúc đẩy khả năng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh. |