![]() |
Cán bộ Ban Khoa học và Công nghệ bảo quản (Cục Dự trữ Nhà nước) kiểm tra chất lượng thóc dự trữ quốc gia. Ảnh: Đức Minh |
Đổi mới, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin
Cục Dự trữ Nhà nước vừa ban hành Kế hoạch Cải cách hành chính năm 2025. Theo đó, Cục Dự trữ Nhà nước đặt mục tiêu đổi mới, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin ngành Dự trữ Nhà nước, tập trung đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số và chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành của Cục Dự trữ Nhà nước; xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính của Cục Dự trữ Nhà nước.
Cục Dự trữ Nhà nước còn đề ra mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Tài chính.
Tăng tính chủ động, sáng tạo Các đơn vị thuộc Cục Dự trữ Nhà nước tăng cường tính chủ động, sáng tạo, quyết liệt áp dụng những giải pháp mới để cải cách hành chính trở thành khâu đột phá trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lĩnh vực dự trữ nhà nước. |
Cục Dự trữ Nhà nước xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách hành chính năm 2025. Thông qua đó, Cục chủ động trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai các hoạt động cải cách hành chính. Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính để đạt mục tiêu đề ra tại kế hoạch cải cách hành chính năm 2025 của đơn vị, Bộ Tài chính, Chính phủ.
Trong công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Cục Dự trữ Nhà nước tiếp tục rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả. Việc sắp xếp tinh gọn gắn liền với đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực dự trữ quốc gia; chú trọng xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.
Song song với phân cấp quản lý là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện cải cách hành chính. Kế hoạch triển khai xác định rõ mục tiêu, kết quả đạt được, phân định những nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì thực hiện. Đồng thời, quá trình triển khai sẽ bố trí nguồn lực bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính gắn liền với tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, đánh giá nghiêm túc, trung thực, khách quan việc triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính.
Cục Dự trữ Nhà nước yêu cầu các đơn vị thuộc Cục nhận thức đầy đủ về nội dung, tầm quan trọng của cải cách hành chính; xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, thúc đẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động của cơ quan, đơn vị;
Đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, Cục Dự trữ Nhà nước đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai, phân công phân nhiệm rõ ràng, gồm: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số; công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính.
Đơn cử như về cải cách thể chế, Cục Dữ trữ Nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế dự trữ quốc gia gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, xây dựng hệ thống pháp luật đảm bảo tính đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận.
Đồng thời, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Cục, kịp thời phát hiện và xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, trái pháp luật, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp.
Về cải cách thủ tục hành chính, Cục sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát thủ tục hành chính; đánh giá tác động của thủ tục hành chính ngay trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; thẩm định chặt chẽ việc quy định thủ tục hành chính tại dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính.
Về xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, lãnh đạo Cục Dự trữ Nhà nước giao Ban Công nghệ Thông tin tiếp tục triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời đảm bảo vận hành phần mềm Quản lý văn bản điều hành; tiếp tục vận hành và kết nối trục liên thông văn bản ngành Tài chính đảm bảo 100% các đơn vị thuộc Cục gửi và nhận văn bản 4 cấp chính quyền.
Lãnh đạo Cục Dự trữ Nhà nước cũng giao Ban Công nghệ Thông tin đổi mới, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin ngành Dự trữ Nhà nước theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin đối với hệ thống, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Cục. Bên cạnh đó, thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử, cũng như đẩy manhh sử dụng chữ ký số, định danh số, chuyển đổi số và niêm phong điện tử trong xử lý văn bản hành chính…
Số hóa hệ thống kho dự trữ quốc gia để bảo quản tốt chất lượng hàng dự trữ Theo Cục Dự trữ Nhà nước, đến nay, các bộ, ngành đã xây dựng mới được 39 điểm kho dự trữ quốc gia (DTQG) theo quy hoạch được phê duyệt. Công suất của các kho chứa lương thực, vật tư, hàng hóa là 961.545 m2 kho. Theo Quyết định 383/QĐ-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2025, số lượng điểm kho của các chi cục dự trữ nhà nước khu vực không quá 171 điểm kho. Qua thực tiễn cho thấy, phần lớn các kho DTQG được xây dựng từ nhiều năm trước đây bằng vật liệu truyền thống như tường gạch, mái bê tông, chỉ đáp ứng chức năng "che nắng, che mưa" đơn thuần, chưa được trang bị hệ thống điều hòa nhiệt độ, kiểm soát độ ẩm hay công nghệ bảo quản tiên tiến. Hệ thống thiết bị phục vụ xuất nhập hàng chủ yếu vẫn là thủ công, tốn nhiều nhân công, mất thời gian và tiềm ẩn nguy cơ sai sót cao. Các thiết bị cân, đo, kiểm tra chủ yếu vận hành bán tự động hoặc hoàn toàn thủ công, chưa được tích hợp vào hệ thống quản lý dữ liệu. Việc thiếu công nghệ giám sát và cảnh báo sớm khiến quản lý kho kém hiệu quả, không phát hiện kịp thời sự cố (nhiệt độ, độ ẩm quá cao, nấm mốc, hỏa hoạn, côn trùng...), làm tăng rủi ro an toàn và suy giảm chất lượng hàng hóa… Theo ông Lê Văn Dương - Chi cục trưởng Chi cục Dự trữ Nhà nước Khu vực III, để khắc phục những bất cập nêu trên, cũng như phù hợp với tình hình mới, việc số hóa kho DTQG là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao năng lực dự trữ, tính linh hoạt và hiệu quả sử dụng nguồn lực DTQG. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới cần triển khai các nội dung sau: Ứng dụng công nghệ bảo quản hiện đại; tự động hóa quy trình xuất - nhập hàng DTQG; số hóa quản lý kho DTQG; kết nối cơ sở dữ liệu liên ngành. |