Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh.
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả phức tạp trên tất cả các tuyến

Buôn lậu năm 2023 vẫn sẽ “nóng”

Ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, nhận định năm 2023, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhất là khi Trung Quốc mở cửa trở lại toàn diện hoạt động thông quan thì nguy cơ buôn lậu trên các tuyến biên giới sẽ “nóng”.

Năm 2022, lực lượng hải quan phát hiện, xử lý gần 18.000 lượt vi phạm. Trong đó đáng chú ý là vi phạm về vận chuyển trái phép ma túy trên tuyến hàng không và đường bộ. Ngành Hải quan đã chủ trì bắt giữ hơn 300 vụ với 270 đối tượng, thu giữ trên 1 tấn ma túy các loại. So với những năm trước thì đối tượng vận chuyển ma túy tăng đột biến.

Do đó, theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, để đấu tranh, ngăn chặn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành như bộ đội biên phòng và hải quan. Đặc biệt, tuyệt đối không cho phép ô tô đi qua đường mòn, lối mở, vì ô tô đi qua khu vực này nhiều khả năng là buôn lậu.

Mặt khác, cơ quan hải quan và cơ quan thuế sẽ phối hợp chặt chẽ hơn trong chia sẻ dữ liệu. Khi cơ quan hải quan kiểm tra trên hệ thống nhận thấy hàng không có hóa đơn điện tử thì có thể chắc chắn là hàng lậu.

Chia sẻ thêm về dự báo xu hướng sắp tới, Đại tá Vũ Như Hà - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cho rằng, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ chủ yếu hoạt động “núp bóng pháp nhân” và đi qua cửa khẩu chính ngạch.

Cơ quan công an cũng nhận định, lượng hàng hóa vi phạm sẽ tăng mạnh. Ngoài các mặt hàng trọng điểm xăng dầu, đường, thuốc lá thì vận chuyển ngoại tệ sẽ diễn biến phức tạp.

Do dự báo buôn lậu lợi dụng chính sách, nên theo Đại tá Vũ Như Hà, các cơ quan chức năng cần đánh giá hoạt động tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, rà soát để kịp thời phát hiện “kẽ hở” dễ bị lợi dụng để có phương án điều chỉnh kịp thời.

Đồng tình với những dự báo các ý kiến khác đã nêu, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), lưu ý việc xây dựng lực lượng tinh nhuệ, chủ động, thống nhất, phản ứng nhanh, liên tục, thông suốt hiệu quả 24/7, hướng tới là lực lượng mang tính phòng ngừa, giám sát vì sự phát triển của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử để có cơ sở xử lý các hành vi mới phát sinh.

Đa số các ý kiến khác đều thống nhất với các nội dung trong báo cáo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 đã xây dựng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quanphát biểu tại hội nghị.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, yêu cầu Văn phòng thường trực lắng nghe, tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện vào báo cáo cuối cùng.

“Phải đẩy mạnh, phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông để phản ánh một cách kịp thời tình hình, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm và biểu hiện trong hoạt động công vụ của lực lượng chức năng. Qua truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền chính sách pháp luật, vận động nhân dân không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường sự phối hợp cung cấp thông tin về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm cho các cơ quan chức năng xử lý. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc thay đổi hành vi, thói quen, mang tính chất cảnh báo” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh thêm một số giải pháp trọng tâm để triển khai nhiệm vụ này trong năm 2023. Trong đó, công tác tuyên truyền cần được đưa lên hàng đầu.

Một giải pháp nữa là chủ động nắm bắt tình hình, đánh giá đúng thực trạng, nhận diện những vấn đề nổi cộm, phức tạp, phương thức hoạt động, xác định tuyến địa bàn mặt hàng trọng điểm; kịp thời tham mưu đề xuất có phương án phối hợp đánh trúng đối tượng, tụ điểm phức tạp để răn đe, phòng ngừa, xử lý nghiêm.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng chỉ đạo các lực lượng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm. Khi xây dựng được hệ thống dữ liệu đầy đủ, liên thông liên ngành thì việc kiểm tra, giám sát, phát hiện hành vi sẽ thuận lợi hơn.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các đơn vị công khai rộng rãi số điện thoại, thư điện tử, đường dây nóng để tiếp cận tin báo, xử lý nghiêm vi phạm; triển khai những nghiệp vụ cơ bản đảm bảo phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm.

Bộ trưởng chỉ đạo Văn phòng thường Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trực theo dõi sát tình hình tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo; chủ động “kiểm tra chéo” thông qua thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất tập trung vào những vụ việc hoặc địa bàn nhạy cảm, có dư luận quan tâm, từ đó nâng cao trách nhiệm triển khai công tác của các ngành, các lực lượng.

Cuối cùng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lưu ý tăng cường công tác phối hợp tích cực hơn nữa giữa các đơn vị; chủ động tham mưu khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích tốt để nêu gương và đề xuất điều chỉnh một số chính sách về kinh phí cho công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm để tạo thuận lợi hơn cho công tác này./.