Nhu cầu vốn bảo trì đường bộ cần thiết là 25.000 tỷ đồng/năm

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), quy hoạch mạng lưới đường bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần nhu cầu vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc khoảng 2.505.000 tỷ đồng; nhu cầu đầu tư cho các tuyến quốc lộ, bao gồm nâng cấp đảm bảo nhu cầu vận tải từng tuyến, nâng cấp đạt quy mô quy hoạch, đầu tư bổ sung cho các đoạn tuyến quốc lộ kéo dài được xác định trong quy hoạch là khoảng 655.031 tỷ đồng (trong đó có khoảng 3.000 tỷ đồng đầu tư cho hệ thống quản lý dịch vụ vận tải). Tổng cộng các nhu cầu vốn khoảng 3.160.031 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu cho giai đoạn từ nay đến 2030 khoảng 900.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành thì mỗi năm cũng cần một lượng vốn bảo trì đường bộ (BTĐB) rất lớn.

Ưu tiên vốn bảo trì đường bộ cho các công trình đặc biệt

Số vốn được cấp để quản lý, bảo trì quốc lộ và cao tốc hiện nay là 10.000 tỷ đồng/năm.

Trong khi đó, hiện tại ngân sách trung ương dành cho bảo trì các loại tài sản KCHT đường quốc lộ hiện nay mới đáp ứng 40% tổng nhu cầu cho cả hệ thống quốc lộ, cao tốc của Nhà nước và các công trình cầu, hầm, bến phà và các tài sản KCHT đường bộ khác của trung ương.

Cụ thể số vốn được cấp để quản lý, bảo trì quốc lộ và cao tốc hiện nay là 10.000 tỷ đồng/năm, nhu cầu cần thiết là 25.000 tỷ đồng/năm. Với số vốn trên đang thực hiện ưu tiên cho bảo trì đường cao tốc, cầu lớn, cấu có kết cấu đặc biệt và hầm, các hạng mục còn lại có mức độ ưu tiên thấp hơn. Do đó vốn duy tu bảo dưỡng hiện nay cho quốc lộ chỉ bố trí 50 triệu/km/năm so với nhu cầu bình quân các loại quốc lộ đang quản lý cần 130 triệu/km/năm (riêng cao tốc và quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh được bố trí cao hơn). Nhiều tuyến quốc lộ đến thời kỳ sửa chữa khôi phục các chỉ tiêu kỹ thuật của mặt đường nhưng chưa được thực hiện. Một số phà tại các bến đã gần hết thời hạn sử dụng mới xem xét đầu tư đóng mới thay thế và một số khó khăn khác. Nhiều cầu hẹp cần mở rộng hoặc xây dựng thêm cầu mới để chống ùn tắc giao thông nhưng cũng chưa được thực hiện, nhiều cầu hạn chế tải trọng cần thay thế chưa được thực hiện.

Các hệ thống quản lý, điều hành giao thông (ITS) cần thiết xây dựng nhưng chưa thực hiện được. Một số công tác quản lý, bảo trì khác cần thực hiện nhưng mới thực hiện được. Một phần công việc. Còn các công việc, nhiệm vụ khác cần có vốn để triển khai thực hiện.

Sử dụng nguồn lực địa phương để cải tạo điểm đen tai nạn giao thông

Cũng theo Bộ GTVT, do nhu cầu vốn quản lý, bảo trì lớn như vậy nên cần tăng thêm nguồn vốn từ ngân sách nhà nước dành cho bảo trì quốc lộ; điều chuyển các tuyến quốc lộ không đảm bảo (trước mắt là 653 km đã rà soát) chuyển thành đường địa phương để các tỉnh tổ chức quản lý, bảo trì; đồng thời rà soát các loại tài sản KCHT khác Bộ GTVT không cần giữ để điều chuyển cho địa phương; tiếp tục kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), vừa để giảm vốn đầu tư của ngân sách nhà nước, vừa giảm chi phí từ ngân sách cho công tác quản lý, bảo trì; đổi mới cơ chế chính sách pháp luật theo hướng cho phép các địa phương ngoài việc tham gia đầu tư theo quy hoạch theo định hướng tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, đổi mới cơ chế chính sách để các địa phương được sử dụng vốn tham gia bảo trì thông qua các hoạt động sử dụng ngân sách và nguồn lực địa phương để khắc phục ùn tắc giao thông, cải tạo điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, mở rộng lòng, lề quốc lộ, xây dựng và bảo trì công trình vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, hệ thống thoát nước chung tại các đô thị; đồng thời, tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, bão, lũ, lụt và sử dụng vào các hoạt động khác; triển khai đầu tư theo quy hoạch cũng là góp phần giảm chi phí sửa chữa trong giai đoạn bảo trì và bảo đảm chất lượng công trình và an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, việc đổi mới cơ chế để UBND cấp tỉnh có thẩm quyền tham gia đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là cần thiết, bao gồm các hình thức như địa phương sử dụng vốn ngân sách địa phương để đầu tư phát triển; địa phương chủ động kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, có sử dụng vốn ngân sách địa phương tham gia vào dự án; địa phương đầu tư xây dựng và khai thác quỹ đất dọc hai bên quốc lộ hoặc các hình thức khác.

Chính quyền địa phương cần chủ động

UBND các cấp được sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn lực để cải tạo điểm đen, điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông, mở rộng, cải tạo khắc phục ùn tắc giao thông đối với quốc lộ đi qua địa bàn; đầu tư xây dựng vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng đô thị các đoạn quốc lộ qua địa bàn; đầu tư xây dựng đường gom, đường bên dọc quốc lộ, cao tốc để phục vụ giao thông dọc tuyến quốc lộ, cao tốc...